AB-218 SettlementArchdiocese Reaches Agreement for a Global Settlement with Victims of AbuseRead Fr. Chua's Letterhttps://annunciationchurch.net/news/ab-218-settlement_blank
Làm người ở đời là chấp nhận thân phận cám dỗ. Con người vừa mang trong mình khát vọng vươn tới Tuyệt Đối, vừa thấy mình luôn bị một mãnh lực kéo trì, nên đời người lúc nào cũng phải chiến đấu giằng co, chỉ một chút lơi lỏng yếu mềm là sa ngã. Con người cao cả khi thắng được cám dỗ trong ngoài. Lúc buông theo cái tôi dễ dãi tầm thường, tôi chẳng là tôi. Chỉ khi tôi vượt qua tôi, tôi mới thật là mình. Tôi chỉ là tôi khi tôi vươn tới Chân, Thiện, Mỹ. Trong mùa Chay, ta hãy để Thánh Thần dẫn vào hoang địa. Hãy cùng với Đức Giêsu sống trong cô tịch, cầu nguyện và ăn chay, để có khả năng nhận ra các cơn cám dỗ quen thuộc. Biết mình bị cám dỗ thật là một ơn, vì ma quỷ chẳng phải là một con vật có đuôi lộ liễu. Những cám dỗ của Đức Giêsu cũng là của tôi hôm nay. Cám dỗ đầu tiên đánh thẳng vào điểm yếu của Ngài. Sau một thời gian dài nhịn ăn, Ngài thấy đói. Cái đói làm tê liệt, và đụng đến bản năng sinh tồn. Điều duy nhất cần đối với người đói là tấm bánh. Đức Giêsu đã thắng được cơn cám dỗ này. Ngài không phủ nhận sự cần thiết của vật chất, nhưng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh. Lợi nhuận trong kinh tế là điều quan trọng, nhưng không được quên các giá trị văn hoá, luân lý, tôn giáo… Lắm khi cái đói vật chất vẫn chi phối chúng ta. Người ta dễ hiểu sai câu: “Có thực mới vực được đạo.” Chúng ta vẫn bị cồn cào bởi những thèm thuồng: chính đáng và không chính đáng, cá nhân và tập thể, nhưng đừng để mình thoả mãn cơn đói bằng mọi giá. Cám dỗ thứ hai là một cám dỗ thô bạo và hấp dẫn: bái lạy ma quỷ để được quyền lực và vinh quang. Có nhiều người nhẹ dạ đã tin vào lời hứa hão này. Bao đế quốc, bao nhà độc tài đã trôi đi trong dòng lịch sử. Đức Giêsu chẳng muốn nhận quyền từ ai khác ngoài Cha. Chỉ Cha mới là Đấng duy nhất để Ngài thờ phụng. Cơn cám dỗ thứ ba có vẻ đạo đức, kỳ thực lại là dấu hiệu của sự thiếu lòng tin. Tôi đưa mình vào tình huống hiểm nghèo, để bắt Chúa hành động. Nhảy xuống từ nóc Đền Thờ mà không chết, quả là ngoạn mục! Chúng ta vẫn thích Chúa làm chuyện ngoạn mục cho đời ta. Chúng ta không thích sống trong lòng tin êm ả, như đứa con biết rõ Cha thương mình, không đòi kiểm chứng.
Tiền bạc, của cải, sắc đẹp, khoái lạc, bằng cấp, tự do, quyền lực, uy tín, danh dự, chủng tộc, khoa học, kỹ thuật: tất cả những giá trị trên đều đáng quý. Nhưng nếu tôi tôn chúng lên hàng Tuyệt Đối viết hoa, và thờ chúng như một ngẫu tượng, thì tôi và thế giới sẽ như kim tự tháp lật ngược. Ước gì Chúa giúp tôi tự cởi trói mình mỗi ngày, để tôi càng lúc càng tự do đến gần Đấng Tuyệt Đối.
Có nhiều cách để nhận biết sự thật về một người. Chúng ta có thể bị hấp dẫn bởi những
lời giảng hùng hồn. Chúng ta cũng có thể bị đánh lừa bởi thái độ khôn khéo giả tạo. Đức
Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn để nhận ra con người thật: “Xem quả thì biết cây” (c.
44). Quả ở đây là đời sống thực sự của người đó, là những việc họ làm. Nếu nhìn kỹ
công việc của một người, chúng ta có cơ may biết họ là ai. Đức Giêsu nói lên một luật
tự nhiên của cây cỏ. Cây tốt sẽ sinh trái tốt, cây bị sâu sẽ sinh ra trái không ngon. Người
công chính được nhận biết qua đời sống tốt lành của họ, qua những thử thách họ đã vượt
qua, qua những hy sinh họ dâng hiến. Người bất chính sẽ lộ ra qua đời sống xấu xa. Đời
sống và hành động của một người phản ánh con người thật của họ. Bụi gai không sinh
được trái vả, bụi rậm không cho được trái nho. Bụi gai và bụi rậm chẳng thể nào sinh
hoa trái tốt đẹp. Đời sống là tiêu chuẩn để nhận ra người môn đệ thật của Đức Giêsu.
Không phải chỉ là tuyên xưng đức tin vào Thầy bằng cách kêu lên: “Lạy Chúa! lạy
Chúa!” Vấn đề là làm điều Thầy dạy (c. 46). Đức Giêsu đặt câu hỏi tại sao đầy ngạc
nhiên với các môn đệ: Tại sao tin vào Thầy mà lại không sống điều Thầy truyền dạy?
Kitô hữu chân chính là người đến với Chúa Giêsu, lắng nghe những lời của Ngài và thi
hành những lời ấy (c. 47). Nghe thôi thì chưa đủ. Lời của Chúa Giêsu phải thấm nhuần
vào đời sống của ta, chi phối mọi hành động, quyết định và lựa chọn. Đức Giêsu kết thúc
Bài Giảng của mình bằng dụ ngôn về hai người xây nhà. Nhiều người đã nghe Bài Giảng
này, đã cảm thấy hay, nhưng có bao nhiêu người sẽ thực hành những giáo huấn trong
đó? Người thực hành Lời Chúa được ví như người xây nhà có nền vững chắc. Còn người
không thực hành thì giống như người làm nhà không nền. Bề ngoài có vẻ hai căn nhà
không khác nhau. Chỉ khi nước lụt dâng lên, và dòng nước ùa vào nhà, mới thấy sự khác
biệt. Một căn đứng vững vì có nền tử tế, căn kia bị sụp đổ tan tành. Chúng ta thích xây
nhà cao, nhưng lại ít để ý tới nền móng. Chúng ta đã được nghe quá nhiều đoạn Lời
Chúa, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc suy niệm, cầu nguyện. Lời Chúa chưa thực sự bám
rễ trong hành động và cuộc sống, vì điều đó đòi một sự trả giá mà chúng ta muốn quay
lưng. Chính vì thế căn nhà tâm linh của chúng ta vẫn không vững. Xin Chúa cho chúng
ta can đảm để làm lại nền cho căn nhà đời ta.
Khi đọc lời nhắn nhủ trên đây của Đức Giêsu, chúng ta thường thấy đó là chuyện không thể làm nổi, hay nếu làm được, ắt sẽ sinh ra những hậu quả tồi tệ. Chắc chắn Đức Giêsu không dạy ta bao che cho kẻ ác, hay đòi hủy bỏ luật hình sự để phạt các phạm nhân. Ngài không cổ vũ việc ăn xin khi nói: “Ai xin, con hãy cho.” Ngài cũng không biến chúng ta thành người bạc nhược. Bài Tin Mừng hôm nay là một viên ngọc, vì nó cho thấy nét đặc trưng của người Kitô hữu. Nó vén mở một lý tưởng mà ta phải vươn tới. Chúng ta cần vượt lên trên nghĩa đen của mặt chữ để cảm được tinh thần mà Chúa muốn ta sống. Không sống lời Ngài, ta vẫn là kẻ đứng ngoài Kitô giáo. “Hãy yêu kẻ thù”: câu này được nhắc lại hai lần. Theo bài Tin Mừng này thì kẻ thù của tôi là ai? Đó là kẻ ghét tôi, kẻ nguyền rủa tôi và vu khống. Đó là kẻ tát vào mặt tôi và đoạt áo ngoài của tôi. Như thế kẻ thù tôi chẳng đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp. Họ là những người hay làm phiền và lợi dụng tôi, là những kẻ xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của tôi. Họ là những người tự nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi. Đức Giêsu không đòi tôi yêu kẻ thù như yêu người thân: về mặt tình cảm, chuyện đó khó thực hiện. Nhưng Ngài mời tôi yêu bằng hành động. Yêu là làm ơn, là chúc lành, là cho vay. Yêu là cầu nguyện điều lành cho kẻ thù (cc. 27-28). Khi làm điều tốt cho kẻ thù, tôi được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng, và nhờ đó chính kẻ thù tôi cũng có thể được giải phóng khỏi cái tôi ích kỷ của họ. Khi yêu kẻ thù bằng những hành động tử tế, tôi không còn coi họ là kẻ thù của tôi nữa. Dần dần, tình cảm của tôi đối với họ cũng biến đổi. Cần can đảm biết bao khi chào hỏi, bắt tay một người làm tôi vô cùng đau khổ. Đó chẳng phải là một hành động giả hình, nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên. Đó chẳng phải là một hành vi của kẻ yếu, nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng. Kitô hữu được mời gọi vượt lên trên cái tự nhiên. Suy nghĩ tự nhiên, tình cảm tự nhiên, phản ứng tự nhiên… Phải ra khỏi cái tự nhiên, thường tình, mới vào được thế giới siêu nhiên, thế giới của những người con, sống nhân hậu như Cha. Sống nhân hậu như Cha là trở nên hoàn thiện. Thế giới văn minh không chỉ nhờ tiến bộ của khoa học, nhưng chủ yếu nhờ những chiến thắng trên lòng ích kỷ của từng người cũng như của mọi tập thể lớn nhỏ. Trái đất chỉ tồn tại nhờ tha thứ yêu thương. Kitô giáo chỉ sống còn nhờ yêu thương tha thứ.
Đức Giêsu được mọi người biết đến là một người nghèo. Nghèo từ khi sinh ra đến lúc từ giã thế gian để về với Chúa Cha. Chính Đức Giêsu đã ví cuộc đời của mình như: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu”. Lúc sinh thời, nhất là trong thời gian loan báo Tin Mừng, từ lối sống đến hành động, Ngài luôn quan tâm đến tận cùng kiếp sống con người, nhất là những người khốn khó, bệnh hoạn, tật nguyền. Nên Đức Giêsu không ngần ngại để sống với những người nghèo hèn, cảm thông cho những người tội lỗi và ăn uống với họ, đồng thời, luôn coi họ như những người bạn, sẵn sàng đứng về phía họ để bênh đỡ, chở che. Tinh thần và lối sống đó hôm nay được Đức Giêsu chính thức chúc phúc, và qua đó như một lời mời gọi mọi người đi theo con đường đó để được hạnh phúc: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi”. Phải chăng Đức Giêsu là người cổ hủ, lỗi thời khi cổ súy cho cái nghèo? Hơn nữa, Ngài lại còn mời gọi những ai muốn đi theo và làm môn đệ cũng phải sống một cuộc sống bần cùng, cơ cực? Thưa! Hẳn là không! Qua mối phúc này, Đức Giêsu muốn cho con người được hạnh phúc hoàn toàn, khi không bị chi phối bởi lòng ham muốn tiền bạc, vì nếu mê mẩn với chúng thì sẽ trở thành nô lệ cho tiền bạc. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng tâm hồn lên Đức Giêsu và quy chiếu cuộc đời của ta với Ngài, để vui mừng khi được sống tinh thần nghèo khó như Ngài. Một cách cụ thể, đó là sống hết mình và hiến thân trọn vẹn cho tha nhân, nhất là những người bần cùng trong xã hội. Cần phải xác định thật rõ rằng: gia tài đích thực của chúng ta là Thiên Chúa. Giá trị lớn lao nhất là sống cho Thiên Chúa qua cung cách phục vụ tha nhân. Cùng đích của con người không phải là của cải chóng qua đời này mà là cuộc sống mai hậu. Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương Chúa để mặc lấy tâm tình nghèo khó như Ngài, ngõ hầu chúng con được tự do để dấn thân phục vụ người nghèo cách vô vị lợi như Chúa khi xưa. Amen.
Trong bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu được Đức Maria và Thánh Giuse đem lên đền
thờ Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa. Tại nơi đây, qua lời của ông Simeon –
một người đạo đức và được đầy ơn Thánh Thần, Chúa Giêsu đã tỏ mình cho muôn dân
biết Người là Đấng cứu độ, là ánh sáng muôn dân. Tuy nhiên, chính Người lại trở nên
“duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hoặc đứng lên” (Lc 2, 33). Đã có lời tiên
tri Isaia loan báo từ xa xưa về Đấng Messia: “Người sẽ là một thánh điện, và một hòn
đá làm cho vấp, một tảng đá làm cho sẩy chân đối với hai nhà Israel, một dò lưới và
một cạm bẫy đối với người dân Giêrusalem. Nhiều người sẽ vì đó mà sẩy chân, té ngã,
nát tan, sẽ mắc bẫy và bị bắt” (Is 8, 14-15). Nhìn vào cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu
và đặc biệt nơi cuộc khổ nạn của Người, những lời tiên báo của ông Simeon và của tiên
tri Isaia đã trở thành hiện thực: có nhiều người Israel tin Chúa nhưng một số đông đã
chống đối và muốn Người chết trên thập giá. Hình ảnh một Đấng Messia chịu đóng
đinh vẫn còn là một sự ô nhục đối với nhiều người do thái nhưng Thiên Chúa đã muốn
dùng sự điên rồ này để cứu những người tin (x. 1Cor 1, 21-23). Như thế, những người
Israel, trước Đức Giêsu Kitô, họ cần phải có quyết định cho chính mình. Người nào tin
và theo Chúa, sẽ được cứu độ; còn ai chống đối Người, sẽ vấp ngã. Giờ đây, dân Israel
sẽ được cứu không phải vì họ là dân riêng của Thiên Chúa mà bởi vì họ đã chọn Đức
Giêsu. Chỉ có ai chọn Người, Con Thiên Chúa, mới thực sự thuộc về dân Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang đặt mỗi người chúng ta đứng trước sự lựa chọn:
thuộc về Người hay không. Chúa “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6), nhưng
chúng ta chấp nhận hay từ chối Người, câu trả lời thuộc về sự tự do của mỗi chúng ta.
Mỗi chúng ta hãy cầu nguyện, suy tư để nhìn lại những gì Chúa đã thực hiện cho chúng
ta trong cuộc sống hiện tại, từ đó chúng ta có thể đưa ra quyết định cuối cùng cho chính
mình. Nguyện xin Chúa ban ơn và soi sáng cho lựa chọn quan trọng này của chúng ta.
Amen.