Dưới thời vua Giô-si-gia-hu, có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi. Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân. Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng. Hãy trỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn. Này, hôm nay, chính Ta sẽ làm cho người nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: từ các vua Giuđa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ. Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì sấm ngôn của Đức Chúa, có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”.
ĐÁP CA: Tv 70 Đáp: Lạy Chúa, miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban.
1) Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Vì Ngài công chính, xin cứu vớt và giải thoát con, ghé tai nghe và thương cứu độ.
2) Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con, núi đá và thành trì bảo vệ con chính là Ngài. Lạy Thiên Chúa, xin giải thoát con khỏi bàn tay kẻ dữ.
3) Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, lạy Thiên Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân. Từ thủa sơ sinh, con nương tựa vào Ngài, Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ.
4) Miệng con công bố Ngài chính trực, suốt ngày tường thuật ơn cứu độ Ngài ban. Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 12, 31 – 13, 13
Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Thưa anh em, trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả. Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. TUNG HÔ TIN MỪNG Halleluia, Halleluia.Chúa đã sai tôi đi loan báo tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha.Halleluia.
TIN MỪNG: Lc 4, 21-30
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Hôm ấy, tại hội đường Nazareth, sau khi đọc sách ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lới Kinh Thánh tai qúy vị vừa nghe”. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Carphanaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Elia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở trong nước Israel, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Sarepta, miền Siđôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Elisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syria thôi”. Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ, họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành; thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
Suy Niệm
Thành kiến làm chúng ta ra mù quáng, không thể nhận diện được thực tại về những người chúng ta gặp thường ngày, một cách đúng sự thật. Những người làng Nagiarét thời Chúa Giêsu cũng mắc phải khuyết điểm như bà Anna. Sau thời gian rao giảng tại Capharnaum, Chúa Giêsu trở về quê hương Nagiarét và rao giảng tại hội đường. Dân chúng biết rõ nguồn gốc nhân trần của Ngài nên nói: Người này không phải là con ông thợ mộc Giuse hay sao? Họ đã nghe biết những sự lạ Ngài thực hiện tại Capharnaum, những sự lạ chứng minh nguồn gốc thần linh, Ngài là con Thiên Chúa được Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu rỗi con người. Bởi vậy, những thành kiến không cho phép họ nhìn xa hơn. Họ bị giới hạn trong cảm nghĩ trần tục của họ, muốn Ngài thực hiện những sự lạ để hưởng lợi. Họ không thể vượt qua khía cạnh trần tục, khía cạnh vật chất ích kỷ, để có lòng tin vào Chúa. Vì thế họ đã bị Chúa nhắc khéo nhớ lại chuyện xưa đã xảy ra trong cuộc đời của tiên tri Elia và Elisêô, đó là trường hợp của bà góa tại Sarepta và tướng Naaman người Syria. Lời nhắc khéo của Chúa làm cho họ bực tức và chống đối. Họ đem Ngài lên nơi cao để xô Ngài xuống vực thẳm cho chết. Quả thật, thành kiến đã làm cho họ mù quáng và dẫn đến những hành động điên rồ như vậy.
Nhưng thử hỏi chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta tin thờ Đức Kitô nào đây? Một Đức Kitô chỉ làm phép lạ để thỏa mãn những nhu cầu ích kỷ của riêng mình? Hay một Đức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, và mời gọi chúng ta bước theo Ngài? Làm thế nào để chứng thực trong đời sống, là chúng ta đã tin vào một vị Thiên Chúa làm người để cứu rỗi chúng ta? Không có cách nào khác, ngoài con đường bác ái, yêu thương trong cuộc sống thường ngày.
Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những thành kiến ngăn cản chúng ta nhìn thấy, Chúa đến với dung mạo con người nơi những người anh chị em, nơi những biến cố của cuộc sống. Vì thành kiến, chúng ta đã không nhận ra điều tốt nơi những người anh chị em, và vì không nhận ra những điều tốt ấy, thì làm sao chúng ta có thể nhận ra Chúa thực sự hiện diện nơi họ được.
Vâng, cuộc sống của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao khi người người biết tôn trọng lẫn nhau, biết cảm thông, tha thứ và nâng đỡ lẫn nhau. Thay cho lời kết án, ghen tỵ là lời chúc mừng, khuyến khích. Thay cho những cái nhìn thiển cẩn, hẹp hòi là những cái nhìn nhân ái, bao dung. Cuộc sống sẽ thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết nhìn cái tốt nơi nhau, để khen ngợi, để khuyến khích nhau, thay vì nhìn điểm yếu của nhau để kết án, xem thường nhau. Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết trân trọng những thành quả, những đóng góp của anh em, thay vì ghen ghét, dửng dưng.
** Thường thường, bạn đi tìm Chúa, tha thiết cầu nguyện để đạt được điều gì? Để được may mắn, khỏi tai hoạ, hay để được hiểu biết, yêu mến Chúa?
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, và xin cho con biết con. Amen.
TÔI LÀ AI MÀ LẠI XÉT ĐOÁN – Đề tài # 8. Thế Nào là Sự Thật: Trả Lời Những Câu Hỏi Thông Thường Cộng Ðoàn Truyền Tin - tạm truyển dịch 2019 Nguyễn Cao Hoàng Thy
1. Cầu Nguyện Mở Đầu: Bày tỏ tình yêu – Ôi lạy Chúa, con yêu Chúa trên hết mọi sự, và vì Chúa mà con yêu thương tha nhân, bởi vì Chúa là cao trọng nhất, là vô tận, và toàn thiện, đáng được con yêu mến hết lòng. Con dự định sẽ sống và sẽ chết trong tình yêu này. Amen.
Lời Giới Thiệu: Đương đầu với nền văn hóa của thuyết tương đối không phải là dễ. Chúng ta cần hiểu biết thật rõ ràng về đạo lý của truyền thống Kitô Giáo, và nhận biết tầm quan trọng của các nhân đức và tình bạn hữu. Chúng ta cần nhận ra thế nào là tự do đích thật, và biết nhìn xa nhìn rộng để học hỏi nghệ thuật sống. Quan trọng nhất, chúng ta phải có lòng thương xót, đó là động lực căn bản hướng dẫn và liên kết chúng ta trong mỗi cuộc gặp gỡ và nói chuyện với người khác. Tình thương không những hướng dẫn chúng ta biết nói gì và nói cách nào – nó còn là nguyên nhân thúc đẩy chúng ta nói.
Trong đoạn cuối của đề tài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những câu hỏi thường được đưa ra về cách nói chuyện với những người theo thuyết đạo đức tương đối. Những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta suy ngẫm và gom góp những gì mình đã học được trong thời gian vừa qua để chúng ta đối phó với thuyết đạo đức tương đối.
2. Nối kết: Điều gì quý nhất bạn học được từ đề tài này? Sự hiểu biết này sẽ ảnh hưởng đời bạn như thế nào? Đào sâu hơn: “Tôi nhận thấy những người thiếu hiểu biết về Thiên Chúa là những người từ chối đến với Ngài. Tôi tin rằng họ từ chối vì họ tưởng Thiên Chúa khó khăn và nghiêm khắc, thật ra thì Ngài nhân lành; họ cho rằng Ngài nhẫn tâm và cứng rắn, sự thật là Ngài giàu lòng thương xót; họ nghĩ Thiên Chúa độc ác và đàn áp kẻ khác, thật ra Ngài rất đáng yêu. Vì vậy, ý tưởng độc hại này đã tạo nên một hình ảnh sai lạc về Ngài.” (Thánh Bernard Clairvaux).
3. Phim # 8 - Trả Lời Những Câu Hỏi.
Phải nói làm sao với những người quen đang sống theo thuyết tương đối, nhưng họ cho rằng họ đang có hạnh phúc trong cuộc sống?
Bạn hãy tin rằng những gì họ đang cảm nghiệm trong cuộc sống không phải là hạnh phúc thật. Như Thánh Augustinô nói: Tâm hồn chúng con sẽ luôn khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa.
Bạn hãy làm gương sáng cho họ thấy bạn có niềm vui, niềm hạnh phúc thật đang tỏa ra trong đời mình; bạn quan tâm và bày tỏ tình thương chân thật cho họ.
Bằng cách nào để tôi học “Nghệ Thuật Sống” để nói cho người khác biết về cách sống này?
Bạn không cần phải là một chuyên gia về Nghệ Thuật Sống – bạn chỉ cần chia sẻ với họ những gì bạn đã và đang nhận được trong cuộc sống mình.
Bạn tìm hiểu và học hỏi thêm bằng cách:
Đọc và học tập về các nhân đức để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Sống gần và giao thiệp với những người có những ước muốn và lý tưởng giống mình.
Tìm những người bạn mà mình có thể học hỏi nơi họ như linh mục, vị linh hướng, cặp vợ chồng gương mẫu mà bạn quý trọng, hay một người lớn tuổi, trưởng thành trong kinh nghiệm đời và cuộc sống tâm linh – hỏi họ và lắng nghe để thu góp được những điều hữu ích từ họ.
Làm sao để thuyết phục người khác rằng quan điểm truyền thống về đạo lý Kitô Giáo sẽ giải thoát chúng ta chứ không ràng buộc chúng ta?
Trở lại với câu hỏi: “Bạn có thật sự hạnh phúc không”?
Có thể người đó không muốn thay đổi những thói quen cũ của họ, bạn hỏi họ vậy mục đích tối hậu của họ là gì? Những thói quen, hành vi của họ có dẫn đến tình bạn đích thật không?
Thuyết tương đối không có giá trị trung lập. Có phải vì tự bản năng nó là không trung lập hay vì cách áp dụng thuyết này không trung lập?
Nhiều người chưa suy nghĩ chính chắn, rõ ràng về đạo đức tương đối và vì vậy, họ không thấy rằng thuyết tương đối không trung lập.
Khi ta đặt câu hỏi về thuyết này sẽ mở đường cho cuộc đối thoại.
Khi gặp những người đang hài lòng sống an phận, không muốn mình trở nên tốt đẹp hơn?
Các vị thánh lớn cũng đã trải qua giai đoạn này.
Thánh Augustinô: “Hãy cho con lòng trong sạch Chúa ơi, nhưng bây giờ thì chưa vội”.
Tin qua lý trí nhưng chưa muốn thay đổi.
Vì vậy, chúng ta cần giúp họ nhận biết qua lý trí và với con tim.
Thánh Bernard thành Clairvaux nói rằng nhiều người không tìm đến Chúa vì họ hình dung Chúa là khắc nghiệt, mặc dù Chúa thật sự là nhân hậu… Họ nghĩ Chúa không thể giúp họ được.” Chúa Giêsu sứ vụ của Ngài là giải thoát những tù nhân.
Chúng ta phải nói sao với những người cho rằng không thể nào đạt đến sự toàn vẹn được (Hội Thánh giúp chúng ta nên toàn vẹn, nhưng không có gì là toàn vẹn trên đời này)?
Chính vì chúng ta có lòng ao ước được hoàn hảo, điều này cho thấy rằng sự toàn vẹn có thể có được.
Khi chúng ta bị đau đớn, khổ sở, chúng ta đều không thích – điều này cho thấy rằng chúng ta được tạo dựng nên không phải để chịu đau đớn. Nhưng sự đau khổ là điều không tránh được trong đời này. Tuy vậy, Thiên Chúa làm cho sự đau khổ của chúng ta có giá trị cứu rỗi, và có ý nghĩa, và Ngài thánh hóa chúng ta nhờ ân sủng của Ngài.
Nếu có người theo thuyết tương đối nhưng họ làm những việc nhân đạo, từ thiện và họ nói với bạn rằng chúng tôi không cần đến Hội Thánh Công Giáo để làm điều tốt vì sẽ có người khác làm những việc này. Bạn sẽ trả lời sao?
Hãy nhìn lại lịch sử của Giáo Hội Công Giáo từ xưa đến nay - Giáo Hội Công Giáo luôn đứng đầu trong các tổ chức nhân đạo giúp người nghèo khó, giáo dục và xây dựng công lý.
Có những người hay chỉ trích Giáo Hội, thật sự chính bản thân họ không trực tiếp phục vụ và giúp đỡ người nghèo.
Thuyết tương đối chẳng đòi hỏi ai phải quan tâm chăm sóc cho người khác, nhưng đạo lý Kitô Giáo thì kêu gọi chúng ta phải quan tâm giúp đỡ người nghèo khổ.
Điểm thứ 8 để đối đầu với thuyết tương đối là chúng ta làm nhân chứng sống động bằng lòng quảng đại yêu thương chăm sóc người nghèo khổ.
“Ai tìm kiếm sự thật là tìm kiếm Chúa, cho dù họ có biết điều này hay không.” (Thánh Edith Stein)
4. Chia Sẻ:
Điều gì hay, lạ bạn mới nghe lần đầu trong cuộn phim vừa rồi?
Điều gì khó nhất khi phải đương đầu với thuyết đạo đức tương đối? Tại sao?
Những bài học này có ảnh hưởng gì trên cách suy nghĩ và cách bạn đối diện với thuyết đạo đức tương đối?
5. Cam kết sống: Chúa Giêsu nói: “Ta đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào” (Ga 10:10). Sự sống dồi dào này Chúa Giêsu muốn trao ban cho chúng ta khi ta bắt chước Ngài, và sống trong tình yêu của Ngài. Trong Chúa Kitô, các nhân đức mà chúng ta cần có để sống tốt đẹp và hạnh phúc sẽ được triển nở. Đây là một đời sống có ý nghĩa và mục đích. Đây là lối sống tự do để sống xuất sắc và sống trọn ơn gọi Chúa dành cho mình.
Bài học này đã giúp bạn như thế nào để yêu mến hơn và trở nên tốt hơn – người bạn tốt hơn, người vợ / chồng tốt hơn, cha mẹ tốt hơn, người láng giềng tốt hơn, hoặc con của Chúa tốt hơn? Hãy xin Chúa giúp bạn sống những lý tưởng này: Ngài luôn gần kề bên bạn và hồng ân Chúa sẽ giúp bạn làm được tất cả những gì mà tự sức mình làm không được.
Hãy cầu nguyện với đoạn Kinh Thánh này và ghi vào nhật ký tâm tình của bạn: “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: "Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: "Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.” (ĐNL 30:11-14)
6. Cầu nguyện kết thúc:“Lạy Cha, sự thật của Cha được bày tỏ qua Lời Chúa. Xin hướng dẫn chúng con tìm sự thật về loài người. Xin dạy chúng con biết yêu thương vì Cha là Tình Yêu. Lạy Chúa Giêsu, Người là hiện thân của Tình Yêu và Sự Thật. Xin giúp chúng con nhận ra Chúa trong người nghèo khổ. Ban sức cho chúng con sống ơn gọi mang tình yêu và công lý đến cho dân Ngài. Lạy Đức Chúa Thánh Thần, Ngài thúc đẩy chúng con biến đổi thế giới. Xin ban sức cho chúng con biết tìm lợi ích chung cho mọi người. Xin cho chúng con tinh thần hiệp nhất và làm cho chúng con trở nên một đại gia đình nhân loại. Chúng con xin vì danh Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen. (ĐGH Bênêđictô XVI)