Sàng rồi, trấu ở lại sàng, nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay. Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay. Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người. Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng: muốn biết người, phải nghe miệng nói năng. Đáp ca Tv 91,2-3.13-14.15-16 (Đ. x. c.2a) Đáp: Lạy Chúa, hạnh phúc thay được tạ ơn Ngài.
1) Thú vị thay được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao, được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya.
2) Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta.
3) Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút bất công. Bài đọc 2 1 Cr 15,54-58
Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích. Tung hô Tin MừngPl 2,15d.16a Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Giữa thế gian, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ lời ban sự sống. Ha-lê-lui-a. Tin Mừng Lc 6,39-45
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Hôm ấy, Đức Giê-su kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em! “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.”
Suy Niệm
Sống những gì Chúa muốn Chúa muốn nói rằng muốn hướng đẫn, muốn dạy dỗ người khác thì trước hết phải "biết" điều mình hướng dẫn. Vì "mù dắt mù, thì cả hai sẽ lăn cù xuống hố" (Lc 6,39). Mình có biết, có sáng mắt thì mới thấy đường mà hướng dẫn anh em mình. Bởi thế, điều kiện để được trở thành người hướng dẫn kẻ khác là phải biết mình. Và cách để giúp mình biết mình trước, tốt nhất là phải học và biết lắng nghe, nhất là lắng nghe những người không ưa mình nói về mình. Chúng ta thường có khuynh hướng thích được khen thưởng hơn là biết lắng nghe những lời thành thật giúp chúng ta thanh luyện khỏi những điều tiêu cực, nhất là khi chúng ta có chút ít quyền hành. Bởi thế, muốn biết rõ về mình nhiều hơn, chúng ta lại càng cần phải có những kẻ can đảm, dám nói cho chúng ta biết những sự thật, điều lầm lỗi của chúng ta, để biết sửa chữa và giúp mình vươn lên. Tiếp đến, Chúa bảo muốn cho lời dạy của mình có sức quyến rũ và thuyết phục được người khác thì phải sống những điều mình dạy trước đã. "Sao anh lại có thể nói với người anh em: 'Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra', trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?- Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!"(Lc 6,42) Trong Tin Mừng chúng ta thấy, khi Chúa muốn dạy điều gì, thì Chúa đã làm trước. Các việc ở đời cũng vậy. Cha mẹ muốn con cái siêng năng đạo đức, thì chính cha mẹ hãy siêng năng đạo đức trước. Như vậy, muốn thành công, người môn đệ phải có sự hài hòa giữa đời sống nội tâm và hành động. Nói khác đi, cần phải làm gương trước khi khuyên bảo người khác... để lời nói và hành động của mình trở nên “nhất ngôn, nhất hành”. Chỉ là thụ tạo mà muốn làm Thượng đế, đó là ảo tưởng muôn đời của con người. Ngay từ đầu lịch sử nhân loại, Ông Bà nguyên tổ của loài người đã trải qua cơn cám dỗ ấy. Ma quỉ nói với Ông Bà: Các ngươi hãy ăn trái cấm, các ngươi sẽ trở thành Thiên Chúa, nghĩa là các ngươi hãy chối bỏ Thiên Chúa và tự tôn mình thành Thiên Chúa để sống mà không cần có Thiên Chúa. Ðó là cơn cám dỗ triền miên của con người: sống không cần Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, để tự tạo cho mình một bậc thang giá trị, và trở thành thẩm phán tối cao cho mọi hành động của mình cũng như của người khác.
SỰ HIỆN DIỆN BÁNH CHO CUỘC HÀNH TRÌNH - Đề Tài #3 Cộng Ðoàn Truyền Tin --tạm truyển dịch 2019 __Nguyễn Cao Hoàng Thy Lời nguyện mở đầu: “Ở lại với con Chúa ơi, vì có Chúa hiện diện, con sẽ không quên Ngài; Chúa biết con hay bỏ Chúa. Ở lại với con Chúa ơi, vì con yếu đuối và cần sức mạnh của Chúa để khỏi vấp ngã. Ở lại với con Chúa ơi, vì Chúa là sự sống của con, không có Chúa, con sẽ không còn hăng hái nữa. Ở lại với con Chúa ơi, Ngài là ánh sáng của con, không có Chúa, con ở trong bóng tối. Ở lại với con Chúa ơi, để chỉ cho con Thánh Ý Chúa; để con nghe tiếng Chúa và đi theo Ngài. Ở lại với con Chúa ơi, vì con ao ước được yêu Chúa thật nhiều và được ở bên Ngài. Ở lại với con Chúa ơi, nếu Chúa muốn con trung thành với Ngài. Xin cho con nhận ra Chúa như các môn đệ đã nhận biết Chúa khi Chúa bẻ bánh, để rồi sự hiệp thông của Bí Tích Thánh Thể sẽ là ánh sáng xóa tan bóng tối, làm sức mạnh duy trì con và niềm vui trong lòng con. Ở lại với con Chúa ơi, vì con chỉ tìm kiếm Chúa duy nhất – con tìm Tình Yêu, Ân Sủng, Thánh Ý, Trái Tim và Thần Khí Chúa, vì con yêu Chúa và con không xin phần thưởng nào khác ngoại trừ được yêu Chúa càng lúc càng nhiều hơn. Amen. __(Thánh Padre Pio)
Lời giới thiệu: Thức ăn là một trong những thứ cần thiết nhất cho chúng ta. Không có thực phẩm, bụng chúng ta sẽ đói cồn cào, chịu không nổi và dần dần sẽ không sống nổi. Thức ăn càng quan trọng cho thể xác chừng nào thì Phép Thánh Thể càng cần thiết hơn nữa cho sự sống của linh hồn chúng ta. Trong sa mạc, Chúa ban cho dân Do Thái bánh man-na để nuôi sống họ. Chúng ta còn cần Bí Tích Thánh Thể hơn cả dân Do Thái cần bánh man-na. Thánh Thể Chúa bồi dưỡng và thêm sức cho chúng ta trong cuộc hành trình dương thế.
Chia sẻ: - Có khi nào bạn đang lên đường đi đâu nhưng bị đói bụng thật nhiều và mệt mỏi không? Xin chia sẽ kinh nghiệm đó. - Bạn thích nhất phần nào trong Thánh Lễ? Tại sao?
Đào sâu hơn: SỰ THAM GIA CỦA CHÚNG TA TRONG THÁNH LỄ Khi chúng ta đến tham dự Thánh Lễ với cộng đoàn dân Chúa, chúng ta làm chứng công khai rằng chúng ta thuộc về Chúa Giêsu và thuộc về Nhiệm Thể của Ngài, là Giáo Hội. Đây cũng là lời công bố rằng chúng ta tin vào Thiên Chúa và đặt hy vọng trong ơn cứu độ của Ngài.
Khi dự Lễ, có khi ta cảm thấy như linh mục và thầy sáu - hoặc ca đoàn, hay người đọc sách thánh, hay người giúp lễ - họ là những người “làm việc” trong Lễ, còn mọi người khác thì chỉ “xem” Lễ mà thôi. Thật ra, Giáo Lý Công Giáo dạy rằng: trong Thánh Lễ, “toàn thể cộng đoàn dân Chúa, là Nhiệm Thể Đức Kitô, gồm Đầu và Thân thể, cùng tham gia trong Thánh Lễ. Với tư cách là vị Thượng tế, Đức Kitô cử hành Thánh Lễ cùng với Thân Thể Người, là Hội Thánh”. (GLCG 1140) Mỗi người trong chúng ta có những nhiệm vụ khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều được mời gọi tham gia một cách sâu xa trong mỗi Thánh Lễ.
Chính Chúa Kitô cử hành Thánh Lễ; linh mục là vị đại diện của Chúa để cử hành Thánh Lễ trong cương vị Đức Kitô, là Đầu, là thủ lãnh của Hội Thánh, chứ linh mục không hành động theo chức vị và quyền lực của riêng mình. Cử hành Thánh Lễ là mục đích cao trọng nhất của ơn gọi làm linh mục.
Những vai trò phụng vụ của giáo dân trong Thánh Lễ như: lo thánh nhạc, công bố Lời Chúa, thừa tác viên Thánh Thể, hay giúp Lễ - đều là những đóng góp quan trọng trong phụng vụ Thánh Lễ, nhưng tất cả những công việc này không phải là điều chính yếu nhất của mỗi người chúng ta khi tham dự Thánh Lễ. Giáo dân tham gia trong Thánh Lễ bằng cách tích cực lắng nghe các bài đọc, những lời kinh nguyện trong phụng vụ và đọc lời đáp cùng với cả cộng đoàn, nhưng quan trọng hơn hết, giáo dân tham gia Thánh Lễ bằng cách ý thức và cố tình kết hợp chính mình vào sự hy sinh của Chúa Kitô. Thánh Lễ là cuộc tưởng niệm – là lập lại sự hiến dâng – công trình hy sinh cứu độ của Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá. Chúa Giêsu dâng hy lễ của chính Ngài để cho chúng ta được bước vào công cuộc hy sinh của Ngài, để rồi chúng ta cũng được dâng chính mình lên cho Chúa Cha cùng với Chúa Kitô.
Trong Thánh Lễ, chúng ta tham dự vào sự hy sinh của Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá, qua đó, Ngài không chỉ dâng lên Chúa Cha chính Ngài, nhưng toàn thể muôn loài tạo vật. Được thông hiệp với Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng dâng lên Chúa Cha của lễ hy sinh chúc tụng và tạ ơn Ngài. Trong Thánh Lễ, chúng ta cảm tạ Chúa vì những ân huệ Ngài ban cho chúng ta – nhất là công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá của Ngài. Chúng ta ca ngợi, chúc tụng và tôn vinh Chúa thay cho toàn thể muôn tạo vật và cho chính bản thân mình. Chúng ta dâng lễ vật là chính mình, được kết hợp với lễ vật toàn vẹn là Chúa Kitô, và chúng ta dâng hy lễ này lên cho Chúa Cha. Sự hiến dâng chính mình là trung tâm điểm của chúng ta khi tham dự Thánh Lễ.
Tham gia vào phụng vụ rất quan trọng, vì thế, chúng ta cần phải dự Lễ mỗi ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ buộc (trừ khi chúng ta có lý do chính đáng không dự Lễ được như: bị đau yếu). Giáo Hội cũng đòi hỏi chúng ta rước lễ ít nhất 1 lần trong năm, và khuyến khích chúng ta năng rước lễ mỗi khi tham dự Thánh Lễ nếu chúng ta dọn lòng sốt sắng và không mắc tội trọng.
Phim - Bánh Cho Cuộc Hành Trình
Thiên Chúa nuôi dân Do Thái bằng man-na trong hoang địa. Bí Tích Thánh Thể nuôi chúng ta trong cuộc hành trình của linh hồn chúng ta.
Thánh Thể cho ta nếm trước hương vị của Thiên Đàng: Ta được rước Chúa Kitô, là mục tiêu tối cao của mình. Ta được liên kết với Thiên Chúa và với những ai đang thông hiệp với Ngài.
Trong Thánh Lễ, ta thờ phượng Chúa cùng với các thánh và các thiên thần trên Thiên Đàng.
Thánh Lễ gồm 2 phần:
Phụng Vụ Lời Chúa: Ta gặp gở Chúa qua Kinh Thánh và đáp lời qua Kinh Tin Kính và Lời Nguyện Giáo Dân
Phụng Vụ Thánh Thể:
Sự hy sinh của Chúa Giêsu được bày tỏ qua Bí Tích Thánh Thể.
Tột đỉnh của phụng vụ là khi chúng ta được lãnh nhận Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.
Câu chuyện Emmaus:
Phụng Vụ Lời Chúa – Khi Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh cho 2 môn đệ trên đường Emmaus.
Phụng Vụ Thánh Thể - Khi Chúa cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai môn đệ.
Trong Thánh Lễ, buổi Tiệc Ly, sự kiện đóng đinh, cuộc tử nạn và sống lại của Chúa Kitô được phơi bày và trở thành hiện thực.
Luật về rước lễ: không được phạm tội trọng, không ăn uống (ngoại trừ nước lã) 1 tiếng đồng hồ trước đó, rước lễ ít nhất 1 lần trong năm.
Tham dự Thánh Lễ là:
- dự phần trong sự hy sinh của Chúa Kitô; - là cố tâm dâng chính mình cho Thiên Chúa khi được rước Chúa Giêsu Thánh Thể; - là dâng lên Chúa tâm tình cảm tạ.
Chầu Thánh Thể: “Tôi nhìn Chúa, Chúa nhìn tôi”. Chúa Giêsu đang hiện diện trong các nhà tạm, Ngài đang chờ đợi chúng ta đến với Ngài.
Sai đi: Ite, missa est – Sau Thánh Lễ, chúng ta được sai đi với sứ vụ chia sẻ Tin Mừng cho mọi người.
Thảo luận:
Có điều gì hay, hoặc mới lạ bạn đã học được qua cuộn phim này không?
Chúng ta tham gia vào sự hy sinh của Chúa Giêsu trong Thánh Lễ bằng cách nào? Có phương cách nào thực tế để chúng ta cố tình tham dự vào công cuộc hy sinh của Chúa trong Thánh Lễ không?
Sau Thánh Lễ, chúng ta được sai đi với một mục tiêu. Sứ vụ của chúng ta sau khi rời Thánh Lễ là gì? Chúng ta cần phải làm gì để sống sứ vụ này trong cuộc sống?
“Hỡi các Kitô hữu, hãy biết rằng Thánh Lễ là hành động thánh thiện nhất trong đạo chúng ta. Không có gì vinh danh Chúa hơn, và hữu ích cho linh hồn hơn là sốt sắng tham dự Thánh Lễ, càng nhiều càng tốt.” __(Thánh Phêrô Julian Eymard)
Đào sâu hơn: VẬT LIỆU, HÌNH THỨC, VÀ NGƯỜI CỬ HÀNH Mổi bí tích cần phải có những yếu tố cần thiết để phép bí tích được có hiệu lực.
Trong phép bí tích, “vật liệu” là phần hữu hình, được đem ra dùng, cùng với hành động được cử hành.
“Hình thức” là những lời được đọc lên, cùng đi đôi với vật liệu đang được dùng.
Bí tích chỉ có hiệu lực khi được cử hành bởi người được có thẩm quyền cử hành bí tích đó.
Trong Bí Tích Thánh Thể, “vật liệu” gồm có bánh, làm từ bột, và rượu làm từ nho (được hòa tan với chút nước). Một khi đã được thánh hóa, bánh và rượu được gọi là hai hình sắc Thánh Thể. Giáo Hội La-tinh dùng bánh không men; Giáo Hội Đông Phương dùng bánh có men.
“Hình Thức” trong Bí Tích Thánh Thể là những lời truyền phép (“Đây là Mình Ta…” và “Đây là chén Máu Ta”), được linh mục đọc trong Lời Nguyện Thánh Thể. Đây là những điều Chúa Giêsu đã nói và đã làm trong bữa Tiệc Ly.
“Người cử hành” Bí Tích Thánh Thể phải là linh mục, hoặc giám mục được chính thức truyền chức thánh, và được cử hành bí tích dưới thẩm quyền của một giám mục. Chỉ có linh mục hoặc giám mục mới được dâng lời nguyện trong Thánh Lễ và cử hành Bí Tích Thánh Thể. Khi linh mục cầm bánh và rượu, với ý định thánh hiến những lễ vật này, và đọc lời nguyện Thánh Thể, bánh và rượu trở thành Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Hãy đọc chuyện “Man-na từ trời” trong sách Khải Huyền:
Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en kêu trách ông Mô-sê và ông A-ha-ron. Con cái Ít-ra-en nói với các ông: "Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!" Đức Chúa phán với ông Mô-sê: "Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không. "Ta đã nghe tiếng con cái Ít-ra-en kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi."
Thật vậy, buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại. Và buổi sáng thì có lớp sương phủ quanh trại. Rồi khi sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. Khi con cái Ít-ra-en thấy thế, họ liền hỏi nhau: "Man hu? " Nghĩa là: "Cái gì đây? " Vì họ không biết đó là cái gì. Ông Mô-sê bảo họ: "Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn! (Kh 16:2–4, 12–15)
- Hãy tưởng tượng bạn là một trong những người Do Thái thời ấy. Bạn cảm thấy thế nào ở phần đầu câu chuyện? Khi Chúa cho man-na từ trời rơi xuống, bạn cảm thấy thế nào?
Bánh man-na là bánh Chúa ban cho dân Do Thái trong cuộc hành trình đi về Đất Hứa. Bí Tích Thánh Thể là bánh Chúa ban cho chúng ta trên con đường đi đến Thiên Đàng – vì vậy, còn được gọi là “viaticum”, tiếng La-tinh có nghĩa là “lương thực cho cuộc hành trình”. Tên này thường được dùng riêng để nói đến Bí Tích Thánh Thể trong trường hợp dành cho người sắp qua đời. Trong từng bước một trên đường ta đi, Thánh Thể Chúa là lương thực hằng ngày nuôi dưỡng chúng ta và là nguồn mạch của mọi ân sủng và phúc lành cho chúng ta.
Hãy cảm tạ Chúa vì món quà Bí Tích Thánh Thể và xin Ngài giúp bạn thêm lòng yêu quý bí tích này.
Đào sâu hơn: Tại sao phải xưng tội trọng trước khi rước lễ? Người ta thường hỏi người Công Giáo tại sao phải xưng tội với linh mục thay vì đến thẳng với Chúa mà xưng tội. Mặc dù Chúa có thể tha tội cho ta cách trực tiếp, nhưng Chúa Giêsu nói rõ ràng là Ngài muốn tha tội cho chúng ta qua Bí Tích Hoà Giải (xem Gn 20:21-23). Giáo Hội không buộc chúng ta phải xưng tội nhẹ - mặc dù điều này là tốt và chúng ta nên làm – nhưng Bí Tích Hòa Giải là cần thiết để được tha tội trọng. Tội trọng là: 1) tội mang tính chất nặng, trầm trọng (theo 10 Điều Răn) 2) ta biết rỏ đó là tội trọng, và 3) ta hoàn toàn có sự tự do khi phạm tội đó.
Những tội trọng ta phạm khi không hiểu biết sự trầm trọng của nó hoặc bị một áp lực nào đó và không có tự do khi phạm tội đó – thì vẫn là tội nhẹ. Bí Tích Hòa Giải giúp ta đối diện với tội lỗi của mình, và nếu ta thật lòng ăn năn thống hối, và tin rằng Chúa tha thứ cho mình trong Bí Tích Hoà Giải, thì chúng ta sẽ sẵn sàng cung kính bước vào sự kết hợp mật thiết với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể.
Lời nguyện kết thúc:“Lạy Chúa Giêsu đang ẩn mình trong Bí Tích Thánh Thể trên bàn thánh, ôi tình yêu và lòng nhân hậu duy nhất của đời con, con phó dâng cho Chúa tất cả những nhu cầu hồn xác của con. Chúa cứu giúp con, vì chính Ngài là Lòng Thương Xót. Con đặt tất cả những hy vọng của con trong Ngài.” __(Thánh Faustina)