Bài đọc 1 Cv 5,12-16 Lời Chúa trong sách Công vụ Tông Đồ.
Hồi ấy, nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ. Mọi tín hữu đều đồng tâm nhất trí, thường hội họp tại hành lang Sa-lô-môn. Không một ai khác dám nhập đoàn với họ. Nhưng dân thì lại ca tụng họ. Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông. Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phê-rô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. Nhiều người từ các thành chung quanh Giê-ru-sa-lem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành.
Đáp caTv 117,2-4.22-24.25-27a (Đ. c.1 )
Đáp: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
1) Ít-ra-en hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Nhà A-ha-ron hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
2) Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
3) Lạy Chúa, xin ban ơn cứu độ, lạy Chúa, xin thương giúp thành công. Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa. Từ nhà Chúa, chúng tôi chúc lành cho anh em. Đức Chúa là Thượng Đế, Người giãi sáng trên ta.
Bài đọc 2 Kh1,9-11a.12-13.17-19 Lời Chúa trong sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.
Tôi là Gio-an, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giê-su. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pát-mô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa, và lời chứng của Đức Giê-su. Tôi đã xuất thần vào ngày của Chúa, và nghe đằng sau tôi, có một tiếng lớn như thể tiếng kèn nói rằng: “Điều ngươi thấy, hãy ghi vào sách, và gửi cho bảy Hội Thánh.” Tôi quay lại để xem tiếng ai nói với tôi. Khi quay lại, tôi thấy bảy cây đèn vàng. Ở giữa các cây đèn, có ai giống như Con Người, mình mặc áo chùng và ngang ngực có thắt đai bằng vàng. Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói: “Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ. Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra, và những gì sẽ xảy ra sau này.”
Tung hô Tin Mừng x. Ga 20,29
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói: “Này anh Tô-ma, vì đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” Ha-lê-lui-a.
Tin MừngGa 20,19-31 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “ Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “ Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.
Suy Niệm
Các môn đệ của Đức Giêsu cần xác tín rằng Đấng đang sống giữa họ cũng chính là Đấng đã chết trên thập giá; các ông cũng phải nhận biết rằng Người vẫn mang những vết tích của cuộc Thương Khó, dù đã sống lại. Các vết thương ấy là dấu chứng tỏ tình yêu vô biên của Người, nhưng cũng là dấu cho thấy sự tàn ác của loài người: dấu của tình yêu vô biên, để họ luôn luôn tin tưởng dấn thân; dấu của sự tàn ác con người, để họ có cái nhìn thực tế, biết rằng mình dấn thân vào trong thế giới nào.
Tôma đã tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu theo cách chưa ai làm: "Lạy Chúa của con và lạy Thiên Chúa của con". Ông đã đi theo con đường dài hơn con đường của các anh em, nhưng đã đến gần Đức Giêsu hơn. Đối với cá nhân ông, Đức Giêsu là Đức Chúa và là Thiên Chúa. Ông tin, ông quy phục Đức Giêsu, ông bày tỏ niềm tin vào Người. Maria Mácđala, cũng như các môn đệ, đã tin vào Đức Giêsu như là Đức Chúa. Tương quan của họ với Người, nay có giá trị vĩnh viễn và trọn vẹn, bởi vì Đức Chúa ấy chính là Thiên Chúa. Đức Giêsu chính là Thiên Chúa đang tìm đến gần con người, để ban cho con người sự sống đời đời. Tôma nhận biết Đức Giêsu như thế và gắn bó với Người. Do đó, người nào chỉ nói đến một Tôma thiếu lòng tin, là quên mất ông đã đạt đến niềm tin nào, nhờ sự trợ giúp của Đức Giêsu. Thật ra, các tông đồ đều thấy 'tin vào sự Phục Sinh' là điều không dễ chút nào!
Chúng ta thấy Đức Giêsu để cho mình được nhận biết - qua bà Maria Mácđala, qua người môn đệ Người yêu mến, và qua Tôma - theo cách khác nhau. Đây là nét đặc trưng của Tin Mừng Gioan. Các "dấu chỉ" hoặc các "bằng chứng", được thích ứng với từng người. Đức Giêsu thuận theo các đòi hỏi của mỗi người. Rồi Người đưa mỗi người đến với đức tin ở bên kia các dấu chỉ ấy. Luôn luôn cần những dấu chỉ, nhưng cũng phải luôn luôn vượt qua các dấu chỉ. Đàng khác, kinh nghiệm đức tin của mỗi người phải được đối chiếu với kinh nghiệm đức tin của cộng đoàn.
Nghe lời "Phúc cho những người không thấy mà tin", chúng ta cảm thấy phấn khởi vì chúng ta đâu có được thấy Đức Giêsu bằng xương bằng thịt! Nhưng tại sao lại "có phúc": có lẽ chúng ta nghĩ rằng bởi vì tin dù không thấy thì khó hơn, nên có công trạng hơn. Thật ra, "có phúc" là vì niềm tin này trung thực hơn, tinh trong hơn. Người nào thấy thì đã có sự chắc chắn, có chứng cớ không thể chối cãi về một sự kiện, nhưng như thế thì không phải là đức tin.
Hôm nay, ngày lễ "Lòng Thương xót Chúa" chúng ta nhớ đến hình ảnh Đức Giêsu từ bi thương xót. Người mặc y phục trắng, bàn tay phải ban phép lành, bàn tay trái vén mép áo ngực, từ đó thoát ra các tia sáng xám và đỏ, tượng trưng Bí tích Thánh Thể và Bí tích Rửa Tội. Đức Giêsu là hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng với thánh nữ Faustina Kowalska và Đức Gioan-Phaolô II thưa với Người: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Người!" Chúng ta hãy trở thành hiện thân của Lòng Chúa thương xót qua lối sống hợp nhất, chia sẻ nâng đỡ nhau, sẵn sàng tha thứ cho nhau.
QUYẾT TÂM THỰC HÀNH “Yêu Thương bằng Hành Động” - Bài #6 Cộng Ðoàn Truyền Tin - tạm truyển dịch 2019 Nguyễn Cao Hoàng Thy Lời nguyện mở đầu: Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người. Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng. Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi. Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn. Sứ thần của Chúa đóng trại chung quanh để giải thoát những ai kính sợ Người.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người! Amen. (TV 34:1-8)
Giới Thiệu: “Đức tin thể hiện qua hành động trở thành tình thương, và tình thương thể hiện qua hành động sẽ thành phục vụ. Khi chúng ta biến đổi đức tin mình thành những việc làm sống động, chúng ta được giao tiếp với Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô”. Những lời khôn ngoan này của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta chỉ chúng ta đến bước cuối cùng trong đề tài cầu nguyện, đó là: Resolutio – Quyết Tâm Thực Hành. Sau khi chúng ta đã gặp được Chúa trong giờ cầu nguyện – nhất là khi đã được nhận lấy ánh mắt yêu thương của Chúa trong phần contemplatio (chiêm ngắm) của đề tài tuần trước – tâm tình cầu nguyện của chúng ta nên dẫn chúng ta đến giai đoạn quyết tâm yêu Chúa, và yêu tha nhân hơn. Chúng ta hãy tìm hiểu thêm cho biết vì sao hành động trong yêu thương là điều cần thiết để đời sống cầu nguyện của chúng ta sanh hoa kết quả.
Nối kết ý tưởng: - Bạn nghĩ có những điều gì có thể là nguy hại liên quan đến cầu nguyện không? Những thứ đó là gì? - Bạn thấy cái nào dễ hơn: khi mình quyết tâm làm việc tổng quát, chung chung (thí dụ: tôi quyết tâm trở nên người tốt hơn), hay khi mình quyết tâm làm một điều gì nhỏ và rõ ràng hơn (thí dụ: tôi quyết tâm sẽ xếp giường tôi mỗi sáng)? Tại sao?
Phim – “Yêu Thương Thể Hiện Qua Hành Động” I. Vườn nho của Lectio Divina (Cầu Nguyện bằng Kinh Thánh)
Lectio (đọc) – tựa như hái nho (lựa ra từng chữ, hình ảnh, v.v…) từ cây nho.
Meditatio (suy ngẫm) – tựa như vắt nước từ nho (nước nho tượng trưng cho ý nghĩa của Lời mình chọn – nếu mình ngưng ở đây, mình chỉ có được nước nho.
Oratio (nói chuyện) – tựa như nước nho đang sôi bọt, lên men.
Contemplatio (chiêm ngắm) – rượu đã được lâu ngày và trở thành rượu quý để ta thưởng thức;
Mình không thể có được rượu ngon làm kiểu “cấp tốc”; cũng thế, mình không thể mong được hưởng chiêm ngắm cấp tốc.
Sách Diễm Ca dùng hình ảnh rượu và cách làm rượu; tình yêu ví như rượu quý, cần được bỏ giờ ra để vun trồng, chăm sóc mới có được chiều sâu.
II. Bước thứ 5 – Resolutio (Quyết tâm thực hành)
Resolutio – Quyết tâm đem cầu nguyện vào hành động.
“Trở thành người thực hành Lời Chúa, không chỉ nghe xuông, kẻo tự lừa dối chính mình.” (Gc1:22)
Thánh Phanxicô La-San cảnh cáo rằng nếu không có sự quyết tâm thực hành, chúng ta sẽ giống Pharisiêu.
Không có quyết tâm thực hành, mình dễ tưởng rằng mình thánh thiện lắm.
III. Quyết tâm thực hành việc làm cụ thể / thực tế.
Làm điều gì bạn nghĩ là Chúa mang đến cho bạn trong khi cầu nguyện.
Chọn việc gì cho rõ rệt và quyết tâm thực hành, đừng chọn việc gì quá tổng quát; cần chọn việc làm cụ thể, việc nhỏ, nhưng rõ rệt.
Việc mình quyết tâm làm không nhất thiết phải hoàn toàn trùng hợp với điều mình đã suy ngẫm; vì sau khi ta đã gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, thì ta quyết tâm làm một việc gì tốt lành như để đáp lại tình yêu Chúa dành cho mình.
“Hành động…thúc đẩy người tín hữu hiến dâng cuộc đời mình làm món quà cho tha nhân với tâm tình yêu mến” (ĐGH Bênêdictô 16)
Thánh Têrêsa Avila (trong sách Lâu Đài Nội Tâm) đưa ra cách áp dụng thực tế: Cầu nguyện nhắm dẫn ta đến thực hành việc tốt lành, và cầu nguyện thêm sức cho chúng ta để phục vụ.
Cầu nguyện là cách giúp ta yêu Chúa và phục vụ Chúa tốt hơn; nhưng thước đo lòng yêu Chúa của chúng ta chính là cách chúng ta yêu thương phục vụ tha nhân.
IV. Dùng phương tiện gì để cầu nguyện
Hội Thánh cho chúng ta một chương trình để cầu nguyện qua Giờ Kinh Phụng Vụ.
Các Sách trong Kinh Thánh – cách riêng Thánh Vịnh và Phúc Âm.
Chia sẽ:
Một vài điều hay, mới, lạ hoặc thú vị bạn học được trong đề tài hôm nay?
Vì sao quan trọng để chúng ta đem sự cầu nguyện vào việc làm cụ thể? Một đời sống cầu nguyện mà không có phần resolutio – không quyết tâm thực hành qua việc làm cụ thể thì sẽ ra sao?
Bạn thích dùng sách gì nhất để đọc khi cầu nguyện?
“Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”. (Gc1:22)
Cầu nguyện kết thúc: “Lạy Cha, xin cho cuộc gặp gỡ của chúng con với Cha luôn dẫn chúng con đến một tình yêu sâu đậm và kiên trung hơn với Cha và với anh em mình. Xin cho chúng con luôn được lớn lên trong các nhân đức và được biến đổi bởi tình yêu Chúa. Chúng con xin vì danh Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.