Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với dân chúng rằng: “Toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.” Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông Phê-rô đáp: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.” Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói: “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.
Đáp ca Tv 22,1-3a.3b-4.5.6 Đ. Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
1) Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
2) Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
3) Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.
4) Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.
Bài đọc 2 1 Pr 2,20b-25
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.
Anh em thân mến, nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em.
Tung hô Tin Mừng Ga 10,14 Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi.” Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng Ga 10,1-10
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào.”
Suy Niệm
Hôm nay, Chúa Kitô nói: "Ta là cửa chuồng chiên". Người đã tự nhận mình là cánh cửa. Qua đó Chúa Giêsu tự sánh ví mình như cửa chuồng chiên và như người mục tử nhân lành. Cả hai hình ảnh này đều nói lên sự hiểu biết, sự chăm sóc và sự bảo vệ Ngài dành cho chúng ta, là những con chiên được Ngài hướng dẫn. Thực vậy, người mục tử thường phải hiện diện với bầy chiên của mình 365 ngày trong một năm, và 24 giờ trong một ngày. Người mục tử ấy phải biết rõ chiên mình: con nào đau, con nào mạnh, con nào có móng mềm, con nào bỏ bầy đi lạc. Thế nhưng, hiểu biết về con chiên mà thôi chưa đủ, người mục tử ấy còn phải dám hiến thân cho bầy chiên của mình, thậm chí dám hy sinh cả mạng sống của mình nữa, trong những trường hợp hiểm nguy.
Giống như người mục tử, Chúa Giêsu luôn hiện diện giữa chúng ta 365 ngày trong một năm và 24 giờ trong một ngày. Ngài đã từng nói với chúng ta: Này, Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Giống như người mục tử, Chúa Giêsu cũng biết rõ mỗi người chúng ta một cách vừa thân mật lại vừa sâu xa. Ngài biết ai trong chúng ta đang yếu kém về đức tin, ai trong chúng ta thường ngã lòng, ai trong chúng ta hay bỏ bầy để đi hoang. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Trái lại, Ngài luôn ở cạnh chúng ta để nâng đỡ, phù trợ. Và nếu như chúng ta có lầm đường lạc lối, thì chính Ngài sẽ tìm kiếm chúng ta.
Chúa Giêsu là cánh cửa không phải để đóng kín giam hãm đàn chiên, nhưng là cánh cửa mở ra suối nguồn sự sống. Chính Chúa Giêsu đã biến đổi thân phận con người. Con người sinh ra không phải để chết, nhưng để sống, sống sung mãn, sống trọn vẹn, sống vĩnh viễn trong suối nguồn sự sống. Chúa Giêsu là cánh cửa mở ra những chân trời vô tận. Nơi Ngài, chúng ta được cứu rỗi và tìm thấy niềm hạnh phúc Nước Trời. Khi mở cánh cửa vào thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã đẩy lùi ranh giới của thế giới vật chất đến vô hạn. Khi mở cánh cửa vào thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã chắp cánh cho ước mơ của con người. Ước mơ ấy chẳng còn hạn hẹp trong những hạn chế của vòng vây thế giới, nhưng bay lên ngang tầm trăng sao để mơ những giấc mơ thần thánh. Khi mở cửa và thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã giải phóng con người khỏi cảnh ngộ nô lệ vật chất hư hèn, nâng con người lên cuộc sống tự do của con Thiên Chúa.
Hãy đến với Đức Kitô và bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài, như lời Thánh Phaolô đã diễn tả: xưa kia anh em là những con chiên lạc, giờ đây anh em đã trở về cùng vị mục tử Đấng canh giữ linh hồn anh em. Hãy theo sát gót Người. Đó là người mục tử duy nhất, ta hãy nghe tiếng Người. Hãy đến với Người để Người đưa ta đến những chân trời xa rộng. Hãy đến với Người để Người băng bó vết thương, xoa dịu nỗi đau và phục hồi sự sống. Hãy đến với Người để Người đổ tràn tình yêu và sự sống vào tâm hồn ta.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên. Tôi có theo vào cửa Người hay tôi đã chọn nhầm cửa khác? 2) Chúa Giêsu là cánh cửa mở. Tôi có thường đóng cửa, ngăn không cho người khác vào? 3) Chúa Giêsu đã hiến mạng sống để mở cửa cho tôi. Tôi có sẵn sàng hi sinh để mở cửa thêm rộng không?