Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng: “Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ. “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?’ Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?’ Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.”
Đáp ca Tv 68,14 và 17.30-31.36ab và 37 (Đ. x. c.33) Đáp:Hỡi những ai nghèo hèn, hãy kiếm tìm Thiên Chúa, là tâm hồn phấn khởi vui tươi.
1) Lạy Chúa, phần con xin dâng Ngài lời nguyện, lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày, vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ. Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con; xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến.
2) Phần con đây, thật khốn cùng đau khổ, lạy Chúa Trời, xin cứu vớt đỡ nâng. Tôi sẽ hát bài ca chúc mừng Danh Thánh, sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người.
3) Vì Chúa Trời sẽ giải cứu Xi-on, các thành thị miền Giu-đa, Người cũng tái thiết. Miền đất ấy sẽ trở nên gia tài của giống nòi các tôi tớ Chúa, thành quê hương xứ sở của những người mến chuộng Thánh Danh.
Bài đọc 2Cl 1,15-20 Lời Chúa trong thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.
Đức Giêsu Kitô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.
Tung hô Tin Mừng x. Ga 6,63c.68c
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống; Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời. Ha-lê-lui-a.
Tin MừngLc 10,25-37 ✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Một hôm, có người thông luật kia muốn thử Đức Giêsu mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Đức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
Suy Niệm Giê-ru-sa-lem được định vị ở độ cao khoảng 800 đến 900 mét; Giê-ri-cô ở dưới mực nước biển khoảng 250 mét . Vào thời đó, đoạn đường giữa hai thành phố này có những đồi núi khô cằn, những hốc đá và những khe núi, vì thế, đầy những hang ổ trộm cướp và những chuyện cướp bóc thường hay xảy ra đối với khách bộ hành. Vì thế, câu chuyện của Chúa Giê-su phản ảnh thực tế đoạn đường đầy hiểm nguy này.
Trên con đường đó, có một người bị sa vào tay bọn cướp, “chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết”. Trước hết, một thầy tư tế, đoạn, một thầy Lê-vi đi qua con đường đó mà trở về nhà sau khi đã chu toàn nghĩa vụ của mình ở Đền Thánh. Cả hai đều gặp thấy nạn nhân nữa sống nữa chết nằm trên đường, nhưng “tránh qua bên kia mà đi”. Chúa Giê-su không nói cho chúng ta biết tại sao họ tránh qua một bên mà đi. Có thể họ không muốn mình bị ô uế qua việc đụng chạm đến xác chết, hay lo sợ an nguy đến tính mạng của mình, vì có thể tên cướp vẫn còn ẩn khuất ở một nơi nào đó để phục kích. Xem ra thật hơn, Chúa Giê-su đưa hai nhân vật này vào câu chuyện vì họ là những người đại diện tầng lớp đáng kính trọng và đạo đức nhất trong xã hội Do thái để tạo nên một sắc màu tương phản với nhân vật Sa-ma-ri bị coi là tạp chủng, bị khinh bỉ, bị khai trừ, mà người Do thái ghét cay ghét đắng tránh giao tiếp. Điều Chúa Giê-su muốn nêu bật chính là hai nhân vật đáng kính và đạo đức này, sau khi đã thực thi lòng mến Chúa trong Đền Thờ lại dững dưng vô cảm trước người anh em khốn khổ bất ngờ gặp thấy trên đường.
Sau cùng, một người Sa-ma-ri tình cờ đi qua con đường đó. Thấy cảnh ngộ đáng thương của người bị nạn, anh “động lòng thương”. Chẳng quan tâm đến việc xem nạn nhân này là ai, thuộc dân tộc nào, theo tôn giáo nào, có quan điểm hay chính kiến nào, anh làm tất cả những gì có thể để cứu giúp nạn nhân bất hạnh này. Săn sóc tại chỗ, đưa về quán trọ, anh còn dự liệu cả hoàn cảnh khó khăn mà người này có thể gặp phải khi không có anh bên cạnh, vì thế anh nói với chủ quán: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”.
Sau khi kể xong dụ ngôn, Chúa Giê-su hỏi trở lại vị thông luật: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Vị thông luật trả lời: “Chính là kẻ thực thi lòng thương đối với người ấy”. Chúa Giê-su xác nhận câu trả lời của ông là đúng và mời gọi ông: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Như vậy, ở đầu câu chuyện, qua câu hỏi của mình, vị thông luật nói lên nỗi bận lòng của ông là muốn phân biệt rõ ràng ai là người thân cận của tôi để tôi thực thi luật yêu người; còn ở cuối câu chuyện, câu hỏi mà Chúa Giê-su đặt ra cho ông ngầm chứa câu trả lời của Ngài: không phải “ai là người thân cận của tôi” như vị thông luật đã hỏi trước dụ ngôn, nhưng “tôi phải là người thân cận của bất cứ ai cần đến sự cứu giúp của tôi trên đường đời”. Đó là cách thức “để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” mà anh đã nêu lên ở đầu câu chuyện.
Thánh Phêrô Đề Tài 1: Chèo Ra Chỗ Nước Sâu: Đào Tạo Tông Đồ Cộng Ðoàn Truyền Tin - tạm truyển dịch 2019 __Nguyễn Cao Hoàng Thy Chào mừng các bạn đến với đề tài Cầu Nguyện với Thánh Phêrô. Trong suốt thời gian học hỏi này, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về cuộc đời Thánh Phêrô, kèm theo những ngạc nhiên bất ngờ về ngài – sự biến đổi của ngài từ một người đánh cá mà lại trở thành một trong những nhân vật đặc biệt nhất trong Tân Ước, và trong toàn lịch sử. Trước hết, chúng ta mở đầu với lời cầu nguyện trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô.
Cầu nguyện mở đầu: Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết. (1 Pr 1:3-5)
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con cảm tạ và ngợi khen Chúa vì Chúa đã ban sự sống mới cho chúng con qua phép rửa, và qua những việc Chúa đang làm trong đời chúng con để biến đổi chúng con được giống hình ảnh Con Chúa. Xin cho chúng con kiên trì và hân hoan mong đợi phần gia nghiệp Chúa dành sẳn cho chúng con. Xin Chúa dạy chúng con luôn theo Chúa qua sự cầu bầu và gương sáng của Thánh Phêrô. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen. Thánh Phêrô, cầu cho chúng con.
Giới Thiệu: “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác, thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.” (Ep 2:19-22)
Tuy rằng Chúa Giêsu độc nhất là tảng đá góc tường của Hội Thánh, Ngài kêu gọi các môn đệ Ngài hãy là những tảng đá sống động của ngôi nhà Ngài (1 Pr 2:5). Trong những tảng đá này, Thánh Phêrô, người đứng đầu các Tông Đồ, giữ một vai trò chánh. Chúa Giêsu phán rằng trên tảng đá Phêrô này, Ngài sẽ xây Giáo Hội của Ngài (Mt 16:18). Vì thế Phêrô có một chỗ bên cạnh Chúa Giêsu, đá tảng góc tường mà đã bị người ta loại bỏ (1 Pr 2:4), Thánh Phêrô là mẫu mực của tất cả những ai làm môn đệ Chúa Kitô.
Bài học về Thánh Phêrô có mang phụ đề là “Nền tảng của Công Giáo”, và Phêrô là tảng đá quan trọng và chủ yếu, nhưng khi chúng ta càng học và hiểu về cuộc đời của Phêrô, chúng ta càng hiểu biết thêm về Đấng mà Phêrô đã đi theo, đã tuyên xưng, tảng đá thật sự và tuyệt đối, là Nền Tảng của Hội Thánh – Chúa Giêsu Kitô. Vào tháng Sáu năm 2014, trong dịp Lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi các tân Tổng Giám Mục hãy theo gương trung thành của Thánh Phêrô, vị Giám Mục đầu tiên của La-Mã. “Phêrô chỉ đường cho chúng ta…Niềm tin vào Thiên Chúa chính là nơi ẩn nấu thật của chúng ta.” Câu chuyện của Thánh Phêrô bắt đầu với một cử chỉ thật bình thường: lòng tin tưởng – kể từ đó, cuộc đời bình dị của Phêrô đã được biến đổi hoàn toàn. Ven bờ hồ Galilê, ông An-rê, anh của Phêrô đã giới thiệu ông cho một vị giáo sĩ mang tên Giêsu Nazarét. Qua sự quyết định đi theo Giêsu, người đánh cá tầm thường này đã tìm thấy ơn gọi của mình để thả lưới người, một vai trò thật quan trọng trong lịch sử cứu độ.
Nối kết tư tưởng:
Mời bạn chia sẻ một vài điều bạn chú ý nhất về Thánh Phêrô.
Ngành chuyên môn của bạn là gì, hoặc bạn có những sở thích hay sinh hoạt gì bạn đang tham gia vào? Bạn đã học được những thứ này bằng cách nào?
Bạn hãy nhớ lại có lần nào bạn đã đặt tin tưởng vào một người và kết quả rất tốt đẹp. Kinh nghiệm này đã ảnh hưởng mối liên hệ giữa bạn và người đó như thế nào?
Tóm lược phim:
Vì sao ông Phêrô được chọn?
Phêrô là mẫu mực của người làm môn đệ:
1. Ông chỉ chúng ta cách đi theo Chúa và cách thống hối sau khi đã lỗi phạm đến Chúa.Ông sống rất gần gủi bên Chúa - dành nhiều thời giờ cho Chúa. Điều kiện để làm tông đồ là cần dành thời giờ cho Chúa – cầu nguyện & kết hợp với Chúa. Phêrô, Giacôbê và Gioan là những môn đệ đã dành thời giờ bên Chúa nhiều nhất.Ông là người tầm thường, dễ cho người khác đến gần, giống như những người thường khác.
Phêrô qua nghệ thuật Kitô Giáo thời ban đầu – các hòm bia đá được khắc hình ảnh
1. Hình ông Phêrô luôn được mô tả là có tóc quoăn, và có râu. 2. Hình Chúa Giêsu luôn được khắc giống như nhau – khuôn mặt rất trẻ và không có râu để diễn tả sự linh thiêng và sự sống vĩnh cửu. 3. Lý do là để các tín hữu dễ nhận ra được các nhân vật là ai trong các tác phẩm nghệ thuật thời ấy.Trong các hình ảnh điêu khắc, ông Phêrô luôn đứng gần kề bên cạnh Chúa Giêsu.
Phêrô qua các Phúc Âm:
1. Tên ông Phêrô được nhắc đến nhiều lần nhất, hơn các tông đồ khác trong Phúc Âm (Matthêu 25 lần; Máccô 25 lần; Luca 30 lần; Gioan 39 lần) 2. Phêrô là nhịp cầu để giúp chúng ta hiểu được mối liên hệ giữa Hội Thánh và Chúa Giêsu – “Anh là Phê-rô, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.” (Mt 16:18) 3. Chúa trang bị cho những kẻ được Ngài gọi.
Phêrô gặp gỡ Chúa Giêsu
Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian…(Gn 1:32-40). Gioan bảo môn đệ ông hãy theo Ngài. An-rê lập tức đi theo Chúa Giêsu.
An-rê, anh ông Phêrô liền báo tin cho ông: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-sia (Đấng Kitô), rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. (Gn 1:41-42)
Từ Bê-sai-đa đến Ca-pa-na-um
1. Bê-sai-đa là quê hương của An-rê, Phêrô và Phi-líp, 2. Thủ đô này trà trộn văn hóa dân ngoại của Hy-lạp nên Phêrô và An-rê đã dọn đến Ca-pa-na-um để ở.Vì thế An-rê, Phêrô và Philip biết nói tiếng Hy lạp.Về sau, người Hy Lạp muốn xin gia nhập Kitô Giáo đã tìm đến gặp Anrê và Philip.
Luca 5:1-11 “Duc in Altum” – “Thả lưới chỗ nước sâu” - Thánh ĐGH Gioan Phaolô I rất thích đoạn Kinh Thánh này. Ngài dùng đoạn này để kêu gọi các tín hữu “Hãy chuẩn bị truyền giáo Tin Mừng cho thế giới.”
1. Phêrô đã thả lưới suốt đêm trên biển hồ Galilê nhưng chẳng bắt được cá nào. 2. Chúa Giêsu bước lên thuyền của Phêrô và bảo ông chèo ra xa hơn để Ngài giảng dạy dân chúng.Ngài có dụng ý bước vào thuyền của Phêrô để cho ông được nghe lời Ngài rao giảng và để cho ông cơ hội được Ngài thu hút theo Ngà. 3. Giảng xong, Ngài bảo Phêrô “chèo ra chỗ nước sâu”.Phêrô nói:“Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”Và Phêrô đã bắt được rất nhiều cá.Sau đó Phêrô nhận biết quyền năng của Thầy mình và ông nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” 4. Qua Lời Chúa Giêsu và hành động của Ngài, cái nhìn của Phêrô về Chúa Giêsu đã thay đổi – trước đây ông thấy Chúa như một vị “Thầy”, nhưng sau mẻ cá lạ, ông đã bái phục dưới chân Ngài như là “Chúa” của ông. 5. Chúa nói với ông:“Đừng sợ, từ nay anh sẽ thả lưới người”.Ông Phêrô mang cho chúng ta niềm hy vọng, vì chúng ta cũng tội lỗi và bất xứng, nhưng Chúa không gọi những kẻ xứng đáng, Ngài gọi chúng ta, rồi Ngài làm cho ta trở nên xứng đáng, và Ngài bảo ta đừng lo sợ.
Thảo Luận:
Vì những lý do nào khiến Giáo Sư Gray gọi ông Phêrô là mẫu mực của người tông đồ? Chúa Giêsu đã dùng những ưu điểm nào của Phêrô (kể cả lòng tin tưởng của ông) để xây dựng Hội Thánh Ngài?
Phêrô là người Do Thái sùng đạo nhưng đã lớn lên trong thủ đô Bê-sai-đa, bị trà trộn với văn hóa của dân ngoại. Những kinh nghiệm này đã chuẩn bị cho Phêrô như thế nào cho những sứ vụ của ông trong tương lai? Chúa đã trang bị cho ông như thế nào?
Một trong những dấu chỉ đặc biệt của người làm môn đệ Chúa Kitô là gì (theo như Thánh Phêrô nói trong sách Công Vụ Tông Đồ 1:21)? Chúng ta là những môn đệ thời nay của Chúa Kitô, chúng ta phải sống những dấu chỉ ấy như thế nào?
Khi Chúa Giêsu kêu Phêrô “chèo ra chổ nước sâu”, Ngài muốn Phêrô tin tưởng Ngài. Vì sao lòng tin tưởng là điều quan trọng cho đời sống đức tin?
Một điều gì trong cuộc đời Thánh Phêrô đã khuyến khích bạn muốn trở nên môn đệ trung thành của Chúa Giêsu?
Phêrô đã dành rất nhiều thời giờ cho Chúa Giêsu. Ông từng đi theo Chúa qua những ngọn đồi Galilê. Còn bạn, bạn có dành thời giờ để cầu nguyện, chầu Thánh Thể, hay thờ phượng Chúa? Bạn có thể làm gì để mang những việc này vào trong cuộc sống một cách sâu sắc hơn?
Câu để nhớ: “Hãy chèo ra chổ nước sâu và thả lưới” (Lc 5:4)
Cầu nguyện kết thúc: Lạy Chúa, giữa cuộc sống bình dị của Phêrô, một người đánh cá đơn sơ, Chúa gọi ông giữ một vai trò trong một câu chuyện thật vĩ đại, hơn cả câu chuyện của cá nhân ông. Chúa đã gọi Phêrô, một người tầm thường để trở thành một môn đệ phi thường. Khi Chúa gọi Phêrô “hãy theo ta”, ông đã đáp lại bằng tất cả cuộc đời ông, nghĩa là ông đã kiên trung trong những thất bại, yếu đuối, và thử thách. Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin giúp chúng con thêm lòng tin tưởng vào Chúa như Phêrô; dám bước ra trong niềm tin, chèo ra chỗ nước sâu. Xin giúp chúng con luôn làm môn đệ trung thành của Chúa, bỏ lại sau lưng những gì làm chúng con lãng quên Chúa, để chúng con đi theo Chúa đến bất cứ nơi nào Chúa dẫn đến. Amen.