Lạy Chúa, đêm vượt qua đã được báo trước cho cha ông chúng con, để khi biết chắc lời hứa mình tin là lời hứa nào, các ngài thêm can đảm. Dân Chúa đã trông đợi đêm ấy như đêm cứu thoát người chính trực và tiêu diệt kẻ địch thù. Quả vậy, Chúa dùng hình phạt giáng xuống đối phương để làm cho chúng con được rạng rỡ và kêu gọi chúng con đến với Ngài. Con lành cháu thánh của những người lương thiện âm thầm dâng lễ tế trong nhà. Họ đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia. Và ngay từ bấy giờ, họ đã xướng lên những bài ca do cha ông truyền lại.
Đáp ca Tv 32,1 và 12.18-19.20 và 22 ( Đ. c.12b )
Đáp: Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp.
1) Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa, kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen. Hạnh phúc thay quốc gia được Chúa làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp.
2) Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn.
3) Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì. Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.
Bài đọc 2 Dt 11, 1-2.8-19
Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Do-thái.
Thưa anh em, đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám. Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông I-xa-ác và ông Gia-cóp là những người đồng thừa kế cùng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng. Nhờ đức tin, cả bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Vì thế, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được. Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. Những người nói như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về. Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài. Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Áp-ra-ham đã hiến tế I-xa-ác; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một. Về người con này, Thiên Chúa đã phán bảo: Chính do I-xa-ác mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Quả thật, ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng.
Tung hô Tin Mừng Mt 24,42a.44
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em hãy canh thức và hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng Lc 12,32-48
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó. “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu chủ ta mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”
Suy Niệm
Con người sinh ra ở đời để sống, cái chết chỉ là một khoảnh khắc chấm dứt sự sống này và chuyển tiếp sang một sự sống mới, chứ không phải là cùng đích của kiếp người. Cái chết chắc chắn sẽ đến với từng người, nhưng lại đến cách bất ngờ, rất bất ngờ. Trong cuộc sống, để tránh những điều bất ngờ, chúng ta thường có sự chuẩn bị trước: binh lính tập trận, lính cứu hỏa thực tập chữa cháy… Trong bài Tin Mừng, để giúp ta chuẩn bị trước bất ngờ của sự chết, để khi sự chết đến, ta khỏi bất ngờ, Chúa làm như một người chủ đi vắng. Ta hãy có tư thế sẵn sàng như người đầy tớ ban đêm đợi chủ trở về, không phải với tâm trạng sợ sệt, nhưng tin tưởng và hy vọng. Chủ về bất cứ giờ nào cũng hài lòng vì thấy người tôi trung đang chu toàn nhiệm vụ.
Đừng chia cuộc sống thành những giây phút có Chúa hiện diện và Chúa đi xa. Bạn lúc nào cũng đang sống, đang làm việc dưới cái nhìn yêu thương chăm sóc của Chúa. Dù học hành tại trường, lao động, buôn bán giữa chợ đời, thư giãn nơi giải trí, nghỉ ngơi tại gia đình, hãy luôn nhớ rằng mình đang hoạt động trong Chúa, theo tinh thần của con cái trung tín với Chúa.
Phêrô và Chìa Khóa: - Quyền Tối Thượng của Hội Thánh
Cầu nguyện mở đầu:“Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát. Cũng vậy, những người trẻ hãy vâng phục các kỳ mục: anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. ” (1Pr5:1-5)
Lạy Cha, chúng con cãm tạ Cha hằng luôn quan phòng mọi sự cho chúng con. Cám ơn Cha ban cho những vị chủ chiên để chăn dắt đàn chiên, là Hội Thánh Cha. Xin Cha chúc lành và thêm sức cho Đức Thánh Cha, người kế vị Thánh Phêrô, các giám mục và hàng tu sỉ. Xin Cha giúp mổi người chúng con biết mặc lấy đức khiêm nhường khi đối xử với nhau, và trung thành chu toàn những công tác mà Cha đã giao phó cho chúng con, như Thánh Phêrô đã làm. Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen. Thánh Phêrô, cầu cho chúng con.
Giới thiệu: Trong đề tài tuần trước, Phêrô công bố Chúa Giêsu là “Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa Hằng Sống”, và Chúa Giêsu đã công bố Si-môn từ nay được mang tên Phêrô, và trên tảng đá Phêrô này, Chúa Giêsu sẽ xây Hội Thánh Ngài. Thánh Ambrose, giám mục thế kỷ 14 tại Milan đã nói: “Nơi nào có Phêrô, nơi đó có Hội Thánh. Và nơi nào có Hội Thánh, nơi đó sẽ không có chết chóc, chỉ có sự sống đời đời.” Từ khi Hội Thánh được hình thành, thì tự bản chất của Hội Thánh là luôn gắn liền với Phêrô và những người nối vị của ngài. Trong đề tài hôm nay, chúng ta sẽ đào sâu hơn vào cuộc đối thoại cực kỳ quan trọng giửa Chúa Giêsu và Phêrô trong Phúc Âm Mat-thêu đoạn 16. Không những Chúa Giêsu đổi tên Phêrô, nhưng Ngài còn trao cho ông một trách nhiệm mới là làm phục hồi sự lảnh đạo của một vương quốc củ. Khi chúng ta nhìn vào quá khứ để hiểu được món quà này, chúng ta mong sẽ hiểu được quyền hành mà Chúa Giêsu đặt trên Phêrô và trên tương lai của Giáo Hội.
Nối kết ý tưởng: 1. Bạn có mang vật gì trong xâu chìa khóa của bạn không? Chìa khóa của bạn có tác dụng gì trong đời sống của bạn hằng ngày?
2. Bạn có khi nào cãm thấy bị dồn dập, choáng ngợp bởi những điều người khác mong muốn nơi bạn? Bạn làm thế nào để tiến lên và chu toàn những trách nhiệm của mình?
3. Nếu bạn được gặp riêng với Đức Giáo Hoàng, người kế vị của Thánh Phêrô, bạn sẽ nói gì với ngài?
Tóm lược phim “Phêrô và Chìa Khóa” I. “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, và trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Lời này nói lên:
Phêrô là Tảng Đá.
Chúa Giêsu là người thợ xây.
Giống như So-lo-môn: vị vua rất khôn ngoan đã xây đền thờ trên tảng đá.
Giao ước Củ thì có đền thờ hữu hình bằng thể chất như gạch và đá; còn Giao Ước Mới thì có đền thờ mới, dựng trên tảng đá mới là chính Phêrô.
Bức tranh của Petro Perugino vẻ hình “Chúa Kitô Giao Chià Khóa cho Thánh Phêrô” được trưng bày trong Nhà Thờ Sistine.
Trong bức tranh này, ta thấy có hình nền tảng của đền thờ ở phía sau.
Ta thấy hình Phêrô ở phía trước, ngài là tảng đá nền mới.
II. “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời”.
Cửa Địa Ngục có nghĩa là quyền lực tử thần – nói như vậy là để tránh dùng tên Sa-tan. Đây là lời hứa vỉ đại của Chúa: Phêrô sẽ là nền tảng của một vương quốc mới, là Giao Ước Mới – chính là Hội Thánh, là Đền Thờ mới và cửa địa ngục sẽ không chống trả nổi, vì có một sức mạnh Thần Linh được đặt trên Đền Thờ mới này. Các đền thờ đời vua Đavít và Sô-lô-môn thì dể bị tàn phá nhưng Đền Thờ của Chúa Giêsu thì không dể bị tiêu diệt vì chính Chúa Giêsu đã xây Đền Thờ này, và kẻ thù sẽ không lật đổ nổi Đền Thờ ấy.
Nước Thiên Đàng có nghĩa là Nước Thiên Chúa.
Chúa Giêsu ban quyền chức thiêng liêng cho Phêrô. được nhận lấy quyền hành từ thiên đàng để cai quản Hội Thánh trên trần thế.
“Nước Thiên Chúa” mang ý nghĩa là nước của dân tộc Ít-ra-en. Vua Đavít đã cầu nguyện, và tuyên xưng Nước Thiên Chúa, với quyền lực và vinh quang khi vua truyền ngôi lại cho con mình là Sô-lô -môn. Sau đó Sô-lô-môn ngự trên ngai của Đức Chúa, làm vua kế vị vua cha là Đa-vít… (1Sb29:23)
“Ha al bayyit” có những ý nghĩa sau đây:
“Kẻ có quyền trong nhà”
Thành ngữ nói đến “vị thủ tướng” – người quản trị mọi vấn đề trong nước.
Trong sách tiên tri Isa 22:15ff,
vị thủ tướng mang vai trò như một người cha của muôn dân trong nước. Phêrô là “thủ tướng” của Nước Thiên Chúa, lảnh vai trò như người cha của Hội Thánh – papa –vì thế mà Đức Giáo Hoàng được gọi là “Pope” (Cha).
chìa khóa là vật tượng trưng cho quyền thế của vị thủ tướng lảnh đạo dân.
ông có quyền mở ra và khoá lại / cầm buộc hay tháo gở.
Vào thế kỷ thứ nhất, những chữ: “cầm buộc và tháo gở” mang ý nghĩa quyền hành trên một quốc gia (khác với ý nghĩa của 200 năm về sau mà các giáo sỉ Do Thái dùng để nói lên quyền cai quản các tín đồ và hội đường của họ). Vì vậy, khi Chúa Giêsu dùng từ ngữ “cầm buộc & tháo gở” Ngài muốn nói Phêrô được trao ban quyền cai quản Hội Thánh Ngài.
III. Đau khổ là cần thiết cho những người theo Chúa Kitô.
Mt 16:21-23 Khi Chúa nói Ngài phải đi Giêrusalem và sẽ chịu chết, Phêrô thốt lên: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy…” – đây là Phêrô kêu cầu Chúa Cha hãy cản Chúa Giêsu đừng để Ngài đến Giêrusalem để phãi chịu đau khổ.
Chúa Giêsu quở trách Phêrô, Ngài muốn ông phải: “Theo Ta, chứ đừng đi trước, đừng dẩn Ta”.
Chúa muốn Phêrô “hãy vác thánh giá mình mà theo Thầy”, cùng chịu đau khổ với Đức Kitô để cùng hưởng vinh quang với Ngài.
Ngài muốn Phêrô hiểu rằng Ngài là vị Vua đau khổ, sẳn sàng nộp mạng sống mình để chuộc tội cho chúng ta. Chính Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của tội lỗi.
Lúc đó, Phêrô chỉ nhìn thấy phân nửa sự thật về Chúa mà thôi – Ngài là Đấng Cứu Độ, Con Thiên Chúa Hằng Sống.
Về sau, Phêrô sẽ được thấy trọn vẹn sự thật, sau khi ông chứng kiến Thầy mình chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại.
Những điều Phêrô giảng dạy trong thời gian về sau này cho thấy ông đã hiểu thật sâu sắc về Chúa Giêsu là Vua và về sự đau khổ Ngài phải chịu là cần thiết; cái nhìn của Phêrô đã đổi từ cái nhìn của loài người đến cái nhìn của Thiên Chúa. (Mt 16:23)
Chúng ta cũng vậy, nếu theo Chúa, chúng ta phãi chấp nhận những khó khăn, đau khổ trong cuộc sống mình, đây là những ơn phúc Chúa ban cho những kẻ theo Chúa, vì “ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” (Mt 16:25)
Chia sẻ:
Theo lời giảng viên nói thì Chúa Giêsu đã trao quyền hành gì cho Phêrô khi Ngài đưa cho ông chìa khóa nước trời trong Phúc Âm Thánh Matthêu 16:19
Vào thế kỷ thứ nhất, câu: “cầm buộc và tháo gở” có ý nghĩa gì? Câu này hiện giờ được áp dụng cho chúng ta như thế nào?
Khi Chúa Giêsu trao chìa khóa nước trời cho Phêrô, Ngài đã bước thêm một bước để tái lập triều đại Vua Đavít. Chúa đã giao quyền gì trong nước Chúa cho Phêrô? Điều này làm sáng tỏ vai trò của Đức Giáo Hoàng như thế nào?
Vì sao Chúa cảnh cáo các môn đệ đừng nói cho ai biết Ngài là Đấng Mê-sai-a mà dân hằng mong đợi?
Khi Chúa Giêsu khiển trách Phêrô (Mt 16), Ngài nói: “Satan, lui lại đằng sau Thầy”. Chữ Satan có nghĩa gì theo tiếng Do Thái? Chúa có ý muốn nói gì với Phêrô? Bạn nghĩ có lúc nào trong đời bạn mà Chúa cũng dùng những lời này để khiển trách bạn?
Đức Giáo hoàng, vừa là Giám mục Rôma vừa là vị kế nhiệm Thánh Phêrô, là nguyên lý và nền tảng trường tồn và hữu hình cho sự hợp nhất của Hội thánh. Ngài là vị đại diện Đức Kitô, đứng đầu Giám mục đoàn và là mục tử của toàn thể Hội thánh. Vì do Chúa thiết lập, ngài có quyền trọn vẹn, tối cao, trực tiếp và phổ quát trên Hội thánh. (Giáo Lý Công Giáo 881)
Cầu nguyện kết thúc: Lạy Chúa Giêsu, vì lòng thương xót và hồng ân Chúa, Chúa đã cho chúng con được làm dân Chúa và là những thành viên của đại gia đình Thiên Chúa. Xin giúp chúng con vác thánh giá của mình hằng ngày và theo Chúa, để khi chúng con bước theo Chúa trong sự vâng lời và trong đau khổ, chúng con cũng được cùng chia sẻ niềm vinh quang của Chúa. Amen. Thánh Phêrô, cầu cho chúng con.