Tin Mừng Lc 14, 1.7-14
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”.
Suy Niệm
Đức Thánh Cha Phanxico nói với anh chị em Công Giáo Tiến Hành: “Điều thúc đẩy sứ vụ không theo lý luận của sự chinh phục nhưng theo hồng ân. Hoạt động cách nhưng không là kết quả của ý thức về hồng ân đã lãnh nhận. Điều này đòi hỏi anh chị em trao ban chính mình cho cộng đoàn địa phương, đảm nhận trách nhiệm loan báo; đòi hỏi anh chị em lắng nghe nhu cầu của những người dân địa phương, dệt nên các tương quan huynh đệ.”
Đức Thánh Cha Phanxico nói tiếp: “Đặc điểm thứ hai mà tôi muốn nhấn mạnh đó là khiêm nhường và hiền lành. Giáo hội biết ơn Hiệp hội của anh chị em. Vì sự hiện diện của anh chị em thường không ồn ào, nhưng là một sự hiện diện trung thành, quảng đại và trách nhiệm. Hiền lành và khiêm nhường là chìa khóa để sống phục vụ, không phải để chiếm chỗ, nhưng để khởi động các quy trình. Tôi rất vui, vì trong những năm gần đây, anh chị em đã nghiêm túc thực hiện con đường mà Tông huấn Evangelii Gaudium-Niềm vui Tin Mừng đã chỉ ra. Anh chị em hãy tiếp tục như thế với chặng đường dài ở phía trước”.
Xin Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Lavang cho quý anh chị em đã, đang, và sẽ đón nhận ơn gọi Phuc Vụ Cộng Đoàn trong sứ vụ mới được lòng nhiệt thành khôn ngoan để đón nhận những gì Chúa và Giáo Hội trao phó.
Khi sống khiêm nhường và chuyên tâm làm việc thiện, chúng ta đã được tham dự vào đời sống vĩnh cửu ngay khi còn đang sống trên trần gian. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã diễn tả đời sống của những người công chính. Họ đã tới núi Sion, thành trì của Thiên Chúa. Đây là cách diễn tả hạnh phúc và phần thưởng dành cho những ai yêu mến Chúa trong quan niệm của người Do Thái. Tác giả đã so sánh sự khác biệt giữa núi Sinai của Cựu ước với núi Sion của tương lai. Nếu ở núi Sinai, người Do Thái vừa ra khỏi Ai Cập được chứng kiến sấm chớp, mây mù, giông tố, thì ở núi Sion, họ được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa hằng sống. Họ cũng được chiêm ngưỡng Đức Giêsu, Đấng đã hạ mình sống thân phận con người và được Thiên Chúa đặt làm trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Ý thức được như thế, cuộc đời chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn, vì dầu còn nhiều khó khăn gian khổ, chúng ta được sống trong tình thương của Chúa và hiệp thông với tất cả những ai yêu mến Ngài.
Một tác giả đã viết: “Có người thường xuyên bực bội than vãn cho rằng đất trước mặt mình chật chội quá. Nếu người ấy lui lại đàng sau một vài bước, sẽ thấy đất đằng trước mình rộng lớn hơn”. Người ta cũng thường nói: “Kiêu ngạo đến mấy cũng chẳng đủ, kiêm nhường bao nhiêu cũng chẳng thừa”. Vâng, nếu chúng ta biết sống khiêm tốn, cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn, tình yêu thương sẽ triển nở và mọi người sẽ sống thân thiện chan hòa.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên