Phường vô đạo lên tiếng nói: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo. Ta hãy coi những lời nó nói có thật không và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào. Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hòa làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm”.
ĐÁP CA Tv 53 Đáp: Lạy Chúa, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.
1. Lạy Thiên Chúa, xin dùng uy danh mà cứu độ, lấy quyền năng Ngài mà xử cho
con. Lạy Thiên Chúa, xin nghe con nguyện cầu, lắng tai nghe lời con thưa gửi.
2. Phường kiêu ngạo nổi lên chống đối, bọn hung tàn tìm hại mạng sống con, chúng không kể gì đến Thiên Chúa.
3. Có Thiên Chúa phù trì, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ. Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế, lạy Chúa, con xưng tụng danh Ngài, thật danh Ngài thiện hảo.
BÀI ĐỌC IIGc 3, 16 – 4, 3
Lời Chúa trong thư của thánh Giacôbê tông đồ.
Anh em thân mến, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên, trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình, là cuộc đời công chính. Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.
TUNG HÔ TIN MỪNG
Halleluia, Halleluia. Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Halleluia.
TIN MỪNG Mc 9, 30-37
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô.
Một hôm, Đức Giêsu và các môn đệ đi băng qua miền Galilê, nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Carphanaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cải nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Kế đó, Người đem một trẻ nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em nầy vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.
Suy Niệm
Bài đọc này có hai phần. Phần thứ nhất (cc. 30-32) thuật lại lời tiên báo của Chúa Giêsu về cái chết và sự phục sinh của Người; thứ hai là mô tả cuộc tranh chấp giữa các môn đệ về địa vị trong cộng đoàn (cc. 33-37). Phần thứ nhất nói rõ rằng Chúa Giêsu và các môn đệ ở riêng một nơi, tránh xa đám đông. Quả thật, Chúa Giêsu không muốn cho ai biết nơi các ngài đang ở. Có thể Người muốn sự riêng tư hoàn toàn để có thể dành tất cả sự quan tâm cho các môn đệ. Dù lý do là gì, những giáo huấn được trao cho các môn đệ và chỉ cho riêng họ. Tự nhận mình là Con Người, Đấng ngự đến trên mây trời để loan báo về sự kết thúc thời đại này và mở ra một thời đại khác, Chúa Giêsu nói với các cộng sự thân tín nhất của mình rằng Người sẽ bị giao nộp và bị giết nhưng sau ba ngày sẽ sống lại. Điều mà các môn đệ không hiểu không có gì đáng ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên là họ không dám hỏi lại Chúa về điều đó. Có phải họ sợ phải biết tất cả ý nghĩa của nó? Sợ phải nghe những chi tiết đáng sợ? Sợ những hệ lụy mà cuộc khổ nạn của Người có thể gây ra cho đời sống của chính họ? Chúa Giêsu chỉ loan báo về số phận của Người. Người không mô tả nó cũng không giải thích nó. Trình thuật Tin Mừng quả là đáng ngạc nhiên trong sự ngắn gọn này. Lời tiên báo được loan ra khi họ đang đi qua Galilê. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc trao đổi duy nhất diễn ra trên đường đến Capharnaum. Câu chuyện kể lại rằng mặc dù các môn đệ không hiểu những gì Chúa Giêsu nói về cái chết và sự phục sinh của Người, nhưng họ lại tranh luận sôi nổi với nhau về địa vị trong cộng đoàn. Chúa Giêsu vừa ngỏ với họ về số phận bi thảm của mình, nhưng họ lại cãi nhau về ngôi thứ, địa vị trần tục. Điều này cho thấy họ không chỉ vô cảm với Người mà còn gây gỗ to tiếng với nhau. Không khiển trách họ, Chúa Giêsu đã nắm bắt ngay tình huống này để dạy một bài học quan trọng: họ phải noi gương Người, ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.
Khi các môn đệ tranh cãi xem ai là người lớn nhất, thì Đức Giêsu đã dùng một em nhỏ để nhắc nhở họ. Trong văn hóa thời Đức Giêsu, một em nhỏ không tượng trưng cho sự ngây thơ, trong sáng, nhưng tượng trưng cho sự lệ thuộc: em không có chỗ đứng trong xã hội và phải luôn tùy thuộc vào người lớn. Đức Giêsu đã đem một em nhỏ, đặt em vào giữa các môn đệ, và ôm em ấy trong cánh tay. Cử chỉ này cho thấy Ngài quý em, dù trong văn hóa Do Thái thời đó, em không được người ta coi trọng. Hơn nữa, Đức Giêsu còn tuyên bố em có giá trị cao quý, vì đón tiếp em là đón tiếp chính Đức Giêsu, cũng là đón tiếp chính Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài (c.37). Khi các môn đệ tranh nhau làm người đứng đầu, Đức Giêsu mời gọi họ làm người đứng cuối mọi người, và làm người phục vụ mọi người. Ngoài trẻ em bị coi thường, trong cộng đoàn luôn có những người bị bỏ rơi vì yếu kém mặt này mặt khác. Đức Giêsu đòi các môn đệ phải quan tâm đến những người không được ai quan tâm.