Người đời thường chạy tội, đổ lỗi cho người khác, còn Chúa Giêsu lại sẵn sàng gánh tội cho hết mọi người. Hôm nay Chúa Giêsu đã chịu phép rửa nơi một kẻ tội lỗi, trong khi Ngài là người con yêu dấu của Chúa Cha và chính Ngài cũng đã có lần tuyên bố: Ai trong các ngươi bắt lỗi Ta được về sự gì? Thế nhưng, Chúa Giêsu lại là Đấng chuộc tội thiên hạ như có lần Gioan đã giới thiệu: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Ngài xoá tội trần gian bằng cách gánh lấy tội ấy. Hành động chịu phép rửa phải chăng là một sự mở đầu cho sứ vụ của Ngài, đồng thời cũng là một dấu chỉ báo hiệu những gì sẽ xảy đến.
Như thế là còn một cuộc thanh tẩy khác nữa đang chờ đợi Chúa Giêsu. Cuộc thanh tẩy ấy chính là cuộc thống khổ, kết thúc bằng cái chết trên thập giá. Cuộc thanh tẩy ấy được thực hiện không phải chỉ bằng nước sông Giođan và từ tay của Gioan, mà là bằng máu của chính Ngài. Chúa Giêsu chịu thanh tẩy tại sông Giođan là hình ảnh của nhân loại được thanh tẩy trong cái chết của Ngài, được sống lại trong sự phục sinh của Ngài và trở thành những người con của Thiên Chúa.
Nơi Đức Kitô, phép rửa hay phép thanh tẩy đã không còn là một nghi lễ, mà đã trở thành một cuộc sống. Tội lỗi đã bị đánh bại không phải bằng nước của phép rửa mà là bằng máu của sự sống. Bí tích thanh tẩy làm cho Kitô hữu trở thành con Thiên Chúa cũng không thể chỉ là một nghi lễ được lãnh một lần rồi thôi, mà phải là chính cuộc sống làm con Thiên Chúa, cuộc sống từ bỏ và đẩy lui mọi tội lỗi. Không phải chỉ là đẩy lui tội lỗi ra khỏi cuộc sống của cá nhân mình, mà còn là ra khỏi nhân loại.
Vì thế, thờ ơ trước những tội ác diễn ra chung quanh, trước những bất công xã hội, trước những gian dối và thù hận, người Kitô hữu không còn là người Kitô hữu đích thật nữa vì đã không chu toàn lời cam kết khi lãnh nhận bí tích Rửa tội. Chính qua cuộc sống dứt khoát với tội lỗi mà người Kitô hữu bày tỏ được ý thức của mình về địa vị cao cả mà bí tích Rửa tội đã đem lại, đồng thời làm chứng về tình thương của Thiên Chúa đối với con người. Người Kitô hữu có trách nhiệm phải làm sao để tiếng từ trời cũng được lặp lại với từng người trong nhân loại: Này là con Ta yêu dấu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.
Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã dạy: Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, người Kitô hữu được nên đồng hình đồng dạng với Ðức Giêsu một cách bí tích. Nhưng, làm thế nào để có thể trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa?
Thánh Gioan Eude đã khuyên mỗi người chúng ta: “Tôi xin anh em hãy coi Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là thủ lãnh thật của anh em và anh em là chi thể của Người. Người thuộc về anh em như đầu thuộc về các chi thể. Mọi sự của Người là của anh em. Tinh Thần của Người, trái tim của Người, thân thể của Người, linh hồn và tất cả khả năng của Người. Anh em phải sử dụng những gì của Người như của riêng anh em để phục vụ, ca ngợi, yêu mến và tôn vinh Thiên Chúa. Anh em thuộc về Người, như chi thể thuộc về đầu. Cũng vậy, Người ao ước sử dụng tất cả những gì của anh em, như thể là của riêng Người để phục vụ và tôn vinh Cha của Người”.
Về kinh nghiệm nên đồng hình đồng dạng với Chúa thánh Phaolô cũng đã chia sẻ rằng: “Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô”. “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi”.
Mong muốn chúng ta khát khao trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, Mẹ Hội Thánh đã dạy chúng ta lời “kinh xin lòng mến” như sau:
Câu kinh mở đầu “Lạy Chúa Giêsu êm ái dịu dàng” đã gợi lên trong tâm trí chúng ta một Chúa Giêsu rất sống động và gần gũi thân thương. Ngài đang ngước đôi mắt hiền dịu nhìn chúng ta “đang vất vả mang gánh nặng nề.” Ngài chạnh lòng thương xót và mời gọi: “Hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Cảm nhận được tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ mạnh dạn mở lòng mình ra để tỏ lộ với Chúa nỗi niềm khao khát thâm sâu bằng câu kinh tiếp theo: “…Xin cho lòng con bừng cháy ngọn lửa mến yêu Chúa”, ngọn lửa tình yêu mà Chúa đã từng ném vào thế gian và những mong phải chi nó được bừng cháy lên trong lòng mỗi người, “xin biến đổi thân con trở thành chính Ngài” để từ nay “con sống, nhưng không còn là con, mà là Chúa sống trong con”. “Xin Thần Linh Chúa thánh hóa bản thân con, ngõ hầu mọi cử chỉ, hành vi con đều làm đẹp lòng Chúa”, “để dù ăn dù uống, hay làm bất cứ việc gì, con chỉ làm vì vinh danh Chúa” mà thôi.