Vì lòng mến Xi-on, tôi sẽ không nín lặng, vì lòng mến Giê-ru-sa-lem, tôi nghỉ yên sao đành, tới ngày Đấng Công Chính xuất hiện tựa hừng đông, Vị Cứu Tinh của thành rực lên như ngọn đuốc. Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Chúa đặt cho. Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Chúa ngươi cầm ở tay. Chẳng ai còn réo tên ngươi: “Đồ bị ruồng bỏ!” Xứ sở ngươi hết bị tiếng là “Phận bạc duyên đơn.” Nhưng ngươi được gọi: “Ái khanh lòng Ta hỡi!” Xứ sở ngươi nức tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng.” Vì ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ. Đáp ca Tv 95,1-2a.2b-3.7-8a.9-10ac (Đ. x. c.3) Đáp: Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa làm.
1) Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu! Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh!
2) Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người.
3) Hãy dâng Chúa, hỡi các dân các nước, dâng Chúa quyền lực và vinh quang, hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người.
4) Hãy thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện, toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan. Hãy nói với chư dân: Chúa là Vua hiển trị, Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.
Bài đọc 2 1 Cr 12,14-11
Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người. Tung hô Tin Mừng x. 2 Tx 2,14 Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng Ga 2,1-11
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Khi ấy, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
Suy Niệm
Đức Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ cùng có mặt trong một đám cưới ở làng quê Cana. Đám cưới ở Do Thái là một dịp vui mừng. Thay vì tuần trăng mật, thì họ tổ chức tiệc tùng kéo dài cả tuần lễ. Vì thế, số lượng rượu phải được tính toán cẩn thận kẻo bị thiếu hụt. Tiếc thay, tiệc nửa chừng thì hết rượu. Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên trong Tin Mừng Gioan. Ngài đã biến nước thành rượu. Ngài trả lại bầu khí vui tươi cho đám cưới. Tin Mừng Gioan hay kể lại những dấu lạ có ý nghĩa. Những dấu lạ vén mở con người Đức Giêsu. Làm bánh hóa nhiều cho thấy Đức Giêsu là Bánh thật. Chữa người mù bẩm sinh cho thấy Đức Giêsu là Ánh Sáng. Hoàn sinh Ladarô cho thấy Đức Giêsu là sự Sống Lại.
Dấu lạ ở tiệc cưới Cana cũng cho ta biết Ngài. Thứ nước dùng cho nghi thức tẩy uế của Do Thái giáo, Đức Giêsu biến nó thành rượu ngon, một lượng rượu khổng lồ vượt quá mức đòi hỏi. Ngài biến nước của Cựu Ước thành rượu của Tân Ước. Như thế Ngài đã mở ra một thời đại mới, thời đại thiên sai, chan chứa niềm vui cứu độ. Đức Giêsu cho thấy mình chính là Đấng Mêsia. Ngài đến để thiết lập một trật tự mới dồi dào và phong phú, như rượu vừa nhiều vừa ngon. Cựu Ước không làm con người mãn nguyện. Con người vẫn khát khao và tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc vẫn là cái gì bèo bọt, mong manh. Đức Giêsu đã dự tiệc cưới ở Cana. Ngài muốn dự mọi bữa tiệc liên hoan của con người. Ngài muốn chia sẻ và bảo vệ niềm vui bé nhỏ nơi họ. Đừng để Đức Giêsu đứng ngoài hạnh phúc của bạn. Đừng coi Ngài là người ganh ghét với niềm vui bạn có.
Nếu bạn nghe lời Ngài, đổ nước đầy các chum rỗng, bạn sẽ gặp được hạnh phúc vững bền. Dấu lạ Cana chủ yếu cho ta thấy Đức Giêsu là ai, nhưng Đức Maria cũng có một vai trò đáng kể. Mẹ hiện diện trong tiệc cưới như thân mẫu Đức Giêsu. Mẹ thấy rõ sự lúng túng lo âu của chàng rể. "Họ hết rượu rồi": Mẹ chỉ nói với Con như vậy. Câu nói của Mẹ ẩn chứa một lời nài xin kín đáo. Mẹ mong Con làm một điều gì đó mà Mẹ không rõ. "Người bảo gì, các anh hãy làm."
Quả thật Đức Giêsu có bảo và các gia nhân có làm, nhờ đó dấu lạ Cana được thực hiện. Qua sự đóng góp của Mẹ trong dấu lạ mở màn này, đức tin của các môn đệ được củng cố và lớn lên. Hôm nay Mẹ vẫn nói nhỏ với Chúa: Họ hết rượu rồi! Niềm vui chợt tắt, tình yêu nhạt phai, gia đình tan vỡ... Cần biết bao sự hiện diện của Chúa và Mẹ trong mỗi gia đình, giữa lúc khó khăn bối rối. "Người bảo gì, các con hãy làm": Đó vẫn là lời Mẹ nhắn nhủ chúng ta hôm nay.
Gợi Ý Chia Sẻ
1) Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc ngay từ đời này. Theo bạn, thế nào là một con người hạnh phúc? Hạnh phúc đích thực dựa trên những yếu tố nào?
2) Đâu là những điều đe dọa hạnh phúc bình thường của một người?
Cầu Nguyện
Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường. Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu. Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng. Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ. Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa. Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống. Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt. Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly. Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Lời Thiên Chúa Hằng Sống, xin giữ gìn và hướng dẫn những tư tưởng, lời nói, hành động của con bằng tình yêu Chúa, để mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm của con được thúc đẩy bởi lòng yêu Chúa và mến tha nhân. Con dâng lên Chúa những điều này để phụng sự Chúa, là Sự Thật và là Tình Yêu. Xin cho tất cả đời con làm vinh quang Chúa hơn, lạy Thiên Chúa Trời con. Amen.
TÔI LÀ AI MÀ DÁM XÉT ĐOÁN “Tôi không đồng ý” Không Có Nghĩa là “Tôi ghét bạn” Cộng Ðoàn Truyền Tin - tạm truyển dịch 2019 - Nguyễn Cao Hoàng Thy
Cầu Nguyện Mở Đầu: Lạy Chúa Thánh Thần, xin thở vào con để mọi tư tưởng của con nên thánh thiện. Xin hoạt động trong con, lạy Chúa Thánh Thần, để việc con làm cũng được thánh hóa. Thu hút lòng con, ôi Chúa Thánh Thần, để con chỉ biết yêu chuộng những gì là thánh thiện. Xin Thánh Thần thêm sức cho con để con bênh vực mọi điều thánh thiên. Bảo vệ con, lạy Chúa Thánh Thần, để con luôn luôn được nên thánh. Amen __(Thánh Augustinô).
Lời Giới Thiệu: Khi chúng ta thương yêu người nào, chúng ta muốn điều tốt nhất cho họ - chúng ta không muốn họ làm điều gì gây tổn thương hoặc đau khổ cho bản thân họ. Nhưng chúng ta phải làm sao để có sự cân bằng chính chắn trong cách chúng ta bày tỏ nỗi quan tâm của mình thay vì xét đoán họ? Và nếu như có người trách chúng ta là cố chấp chỉ vì chúng ta không đồng ý với họ, thì chúng ta phải làm gì? Tuần trước chúng ta có học vài phương cách đối thoại với những người sống theo thuyết luân lý tương đối. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu ba phương cách kế tiếp để giúp chúng ta bày tỏ tình thương và lòng tôn trọng người khác khi nói chuyện với họ về những vấn đề liên quan đến luân lý và đạo đức – đồng thời cũng chống lại thuyết đạo đức tương đối mà xã hội đang áp đặt trên chúng ta.
Nối kết: Xin bạn chia sẻ một kinh nghiệm của mình bị người nào nói bạn là kẻ xét đoán, cố chấp, hoặc không có tinh thần cởi mở; hoặc có khi nào bạn lo ngại là người khác sẽ nghĩ những điều này về mình không?
Đào sâu thêm:“Hãy gieo rắt tình thương khắp mọi nơi bạn đến: trước tiên là trong gia đình mình. Hãy trao tình thương cho con, cho vợ, chồng, người hàng xóm láng giềng... Đừng để một ai khi đến với bạn mà lại ra về không cảm thấy vui hơn. Bạn hãy là hình ảnh sống động của lòng nhân hậu Chúa; sự tốt lành trên nét mặt của bạn, trong đôi mắt, và qua lời chào hỏi thân tình của bạn.” (Thánh Teresa Calcutta) PHIM
Lề luật = tình thương
Những lề luật của Hội Thánh dạy chúng ta đó là vì thương con người.
Khi nói chuyện với những người không muốn vâng theo lề luật, chúng ta cần nhắc đến tình thương.
Tình thương chân chính là muốn những gì tốt lành cho người mình thương. Thuyết đạo đức tương đối đang làm tổn thương cho con người và những mối tương quan tình cảm giữa con người với nhau.
Mọi người được Chúa tạo dựng đều ao ước để yêu thương và được yêu thương (một tình thương bền đỗ). Chúng ta cần rao giảng thông điệp này: lòng ao ước được có một tình yêu bền đỗ có thể thành sự thật nếu chúng ta đi theo chương trình Chúa dành cho đời ta, chứ không theo đường lối của thế gian.
Lề luật của đạo lý đến từ tình thương Chúa dành cho chúng ta.
Lề luật của đạo lý giúp ta lớn lên trong tình thương, để ta biết yêu như Chúa Kitô yêu ta vậy.
So sánh giữa “Suy xét” và “Xét đoán tâm hồn một người”.
Khi chúng ta không đồng ý với người khác về một điểm gì, đó không có nghĩa là chúng ta ghét họ. Nhưng chúng ta không nên nhượng bộ hoặc “dung hòa” đức tin của mình để bày tỏ lòng thương. Tình thương không có nghĩa là mình phải đồng ý với bất cứ điều gì người kia tin, với cách họ sống, hoặc chấp nhận mọi điều họ làm.
Chúng ta có thể dùng trí óc để suy xét xem hành động và lối sống của một người sẽ dẫn đến một hậu quả tai hại cho họ. Vì lòng thương, chúng ta nên khuyên nhủ, và hướng dẫn họ nhận biết sự nguy hại trong việc họ làm và chia sẽ với họ về tình thương Chúa dành cho họ.
Chúng ta không nên xét đoán lòng họ, đó là việc của Chúa, chỉ có Chúa mới thấu hiểu hoàn cảnh và tâm hồn mỗi người.
Thuyết tương đối không trung lập.
Xem chừng có vẻ trung lập (không về phe nào), nhưng thật sự, trong thế giới thời nay, thuyết này có một lập trường riêng của nó – không có gì là hoàn toàn đúng, hay sai, không có sự thật tuyệt đối, mọi người tự do làm theo ý mình...
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói thuyết tương đối là một giáo điều mới.
Thuyết tương đối thúc đẩy chúng ta phãi suy nghĩ, hành động và sống khác với lối suy nghĩ, và niềm tin của người Kitô hữu.
Chúng ta cần đề phòng khi họ gán tên cho chúng ta là “xét đoán” và “cố chấp”. Chúng ta cần kháng cự, từ chối thuyết tương đối, đừng để nó áp đặt chúng ta.
Đào sâu thêm:“Đâu là dấu chỉ yêu thương tha nhân? Khi ta không tìm lợi ích riêng cho chính mình nhưng tìm lợi ích cho người mình thương, cả phần xác lẫn phần hồn”. (Thánh Basil the Great)
Chia sẻ:
Điều gì bạn mới nghe lần đầu trong cuộn phim vừa rồi – một tư tưởng mới, hay một ý nghĩ mới về luân lý, đạo lý?
Khi nói chuyện với một người về luân lý, nếu bạn xoay hướng nhìn vào tình thương thì cuộc đối thoại sẽ có gì thay đổi không? Khi nói chuyện với người theo thuyết tương đối, bạn sẽ dùng những thí dụ nào để cắt nghĩa “lề luật = tình thương”?
Đâu là những điều thực tế chúng ta có thể làm để bày tỏ lòng thương mến với người khác mặc dù chúng ta không đồng ý với họ, hoặc những lựa chọn của họ?
Cam kết làm: Thuyết đạo đức tương đối thường được cho là trung lập và khoan dung. Mới thoạt nhìn có vẻ hợp lý: tất cả mọi tư tưởng, mọi cái nhìn đều ngang nhau và chúng ta nên chấp nhận lập trường của mọi người và không nên suy xét. Không có ai đúng, không có ai sai – tất cả mọi người cần có tư tưởng cởi mở và hoà đồng với nhau. Nhưng thuyết tương đối không thật sự là trung lập. Người theo thuyết này cho rằng mình cởi mở và biết chấp nhận, nhưng ngay trong quan điểm: không có gì là hoàn toàn phải hay trái – chính quan niệm này là một lập trường tuyệt đối. Thuyết này muốn mọi người phải chấp nhận mọi quan điểm là ngang nhau, đây là một sự áp đặt cái nhìn chung của thời đại này trên những người không đồng ý với quan niệm này. Đây cũng là những gì họ nói chúng ta không được làm. Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô nói thuyết tương đối giống như một “giáo điều mới”. Thuyết này xưng rằng mình không thiên vị và biết cởi mở đón nhận, nhưng nó không chấp nhận những ý nào không chịu tùng phục nó. Thuyết tương đối không “để yên” cho những ai không đồng ý với nó. Nó thúc đẩy chúng ta phải nhìn thế giới qua cái nhìn của nó và phải hành động sao cho thích hợp – ai không tuần phục thì bị gán cho cái tên là: “cố chấp” hoặc “kẻ thù ghét”.
Có khi nào bạn bị áp lực để suy nghĩ, hành động, hoặc sống khác với niềm tin của mình, hoặc phải im lặng vì những áp lực và đòi hỏi của thuyết đạo đức tương đối không? Bạn phản ứng như thế nào trước những áp lực đó? Bạn có thể làm gì để giữ mình không bị đàn áp bởi thuyết tương đối của thời đại này?
Cầu nguyện kết thúc: Lạy Chúa Giêsu, Lời Thiên Chúa Hằng Sống, xin giữ gìn và hướng dẫn những tư tưởng, lời nói, hành động của con bằng tình yêu Chúa, để mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm của con được thúc đẩy bởi lòng yêu Chúa và mến tha nhân. Con dâng lên Chúa những điều này để phụng sự Chúa, là Sự Thật và là Tình Yêu. Xin cho tất cả đời con làm vinh quang Chúa hơn, lạy Thiên Chúa Trời con. Amen.