Đức Chúa phán như sau: Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người. Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái.
Đáp ca: Tv 1,1-2.3.4 và 6 (Đ. Tv 39,5a) Đáp: Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa.
1) Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.
2) Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành.
3) Ác nhân đâu được vậy: chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay. Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.
Bài đọc 2 1 Cr 15,12.16-20 Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.
Tung hô Tin Mừng Lc 6,23ab Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói: Anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng Lc 6,17.20-26 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Một hôm, Đức Giê-su ở trên núi xuống cùng với Nhóm Mười Hai, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, có nhiều môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng đến từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn. Thấy vậy, Đức Giê-su ngước mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”
Suy Niệm
Nghèo có phúc là: nắm giữ chức quyền, nhưng không tham quyền cố vị - trái lại, phục vụ trong khiêm tốn; làm ra của cải vật chất, nhưng không bị lệ thuộc vào chúng - trái lại, biết “hằng ngày dùng đủ” và cảm thông chia sẻ với nhau, trong tình anh em. Nghèo như thế, chiến tranh, hận thù mới biến mất, và thế giới này chỉ còn có tình mến chan hoà. Nghèo như thế mới là mối phúc.
Thánh Luca chỉ nói đến 4 mối phúc thay vì 8 mối phúc như thánh Mat-thêu (Mt5, 1-12): phúc thay ai nghèo khó, ai đang đói, ai đang phải khóc và ai bị ghét bỏ, loại trừ vì Chúa. Ba mối phúc đầu tiên liên quan đến những bất hạnh của con người. Nghèo khó, đói, đau khổ là một phần của cuộc sống con người. Đức Phật đã thốt lên “đời là bể khổ”. Trong thế giới này nhìn đâu chúng ta cũng có thể thấy sự hiện diện của khổ đau. Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không có ý cho rằng nghèo đói, đau khổ là điều tốt. Bởi vì nếu như thế thì chúng ta không cần phải cố gắng vươn lên để làm gì. Càng nghèo khổ càng tốt vì càng được Chúa thương. Không phải như thế! Điều mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây là những con người đang đau khổ đó, họ sẽ có được hạnh phúc trong Nước Chúa. Những người không có gì để hy vọng thì chính Chúa sẽ là niềm hy vọng của họ. Những người không có gì sẽ được chính Nước Thiên Chúa là gia nghiệp. Có nghĩa là với niềm tin vào Chúa Giêsu, những đau khổ, những bi thương của cuộc đời này sẽ có một lối thoát. Niềm hy vọng của chúng ta là ở đây. Nếu không có Chúa phần đông nhân loại đang sống trong đau khổ sẽ kết thúc cuộc đời mình trong tuyệt vọng. Thiên Chúa không tạo ra đau khổ. Sách Sáng Thế Ký chương 1 cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa dựng nên mọi sự thật tốt đẹp. Chính tham vọng, sự kiêu căng và bất phục tùng của con người đã làm cho thế giới này ngập tràn khổ đau. Tuy nhiên, với niềm tin vào Chúa Giêsu, những khổ đau của chúng ta có được một cái kết tốt đẹp. Mối phúc thứ 4 chính là mối phúc dành cho những người dám sống vì Nước Trời. Đây là mối phúc dành cho các ngôn sứ thật. Trở nên ngôn sứ có nghĩa là trở nên người đón nhận Lời Chúa và nói lại điều đó cho dân. Vì Lời Chúa lắm khi đi ngược lại với thị hiếu của con người nên các ngôn sứ thường hay bị người đời, đặc biệt những người có thế giá trong dân ghét bỏ, loại trừ. Nếu ai dám vượt qua mọi khó khăn tủi nhục vì Danh Chúa, người đó sẽ được lãnh mối phúc của những ngôn sứ. Đây là ơn gọi của tất cả chúng ta. Thánh Luca đi xa hơn nữa khi đề cập đến 4 mối hoạ: khốn cho các người là những kẻ giàu có, những kẻ đang no nê, những kẻ đang vui cười và những kẻ đang được ca tụng. Bốn mối hoạ này đối xứng với 4 mối phúc bên trên.
Ba mối hoạ đầu tiên làm chúng ta cảm thấy khó hiểu. Ai chẳng muốn được giàu có, ai chẳng muốn no nê, ai chẳng thích vui cười nhưng ở đây những điều đó được xem là các mối hoạ. Chúng ta có thể hiểu về những mối hoạ này cũng giống như cách chúng ta suy nghĩ về các mối phúc. Sự giàu có, sự no đầy vật chất và niềm vui tự bản chất không phải là điều xấu. Nói đúng hơn nó là những điều tốt mà có lẽ tất cả chúng ta đang muốn đạt được. Tuy nhiên, vấn đề là nếu chúng ta chỉ tìm thoả mãn ở những điều này thì chúng sẽ trở thành mối hoạ cho chúng ta. Cái nguy hiểm là của cải vật chất có nguy cơ làm chúng ta quên mất Chúa và khi đó đời chúng ta sẽ thật sự trở thành thảm hoạ. Kinh nghiệm thường ngày trong cuộc sống giúp chúng ta hiểu được điều này. Của cải, hạnh phúc trần thế vì không bền vững nên không thể là chỗ dựa cho chúng ta. Cho nên điều quan trọng là chúng ta sử dụng chúng như thế nào để không quên đi cái điểm tựa bền vững là chính Chúa. Vì Chúa là Đấng Trường Tồn nên chỉ có Ngài mới có thể là chỗ dựa cho chúng ta khi ở đời này và ngay cả đời sau.
Cuối cùng là mối hoạ dành cho các ngôn sứ giả. Nếu như những ngôn sứ thật vì nói lời Chúa nên bị ghét bỏ, bách hại - thì các ngôn sứ giả lại được nhiều người yêu mến vì tuyên bố những điều hợp ý họ. Vì nói những điều hợp ý dân nên các ngôn sứ giả thường được ca tụng, tung hô. Nhưng chính vì thế họ sẽ bị án phạt vì đã không làm theo ý Chúa mà lại theo ý người đời. Cái hoạ của chúng ta là ở đó. Là khi chúng ta vì muốn làm hài lòng ai đó mà lại bỏ ngoài tai điều Chúa muốn chúng ta làm.
Phúc hay hoạ là do chúng ta chọn lựa. Những niềm vui dễ đến thì cũng chóng qua. Nếu chúng ta chỉ bám vào chúng thì chắc chắn đời ta sẽ trở nên mối hoạ. Tin yêu và làm theo ý Chúa lắm khi đòi hỏi chúng ta dám chấp nhận hy sinh, chấp nhận quên mình nhưng chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc thật. Khôn ngoan và can đảm để lựa chọn Hạnh Phúc Thật với Chúa là ơn mà chúng ta cần cầu xin từng ngày.
SỰ HIỆN DIỆN
“Lạy Đấng Cứu Thế, chúng con đến bàn tiệc thánh của Ngài để được nuôi dưỡng, không phải bởi bánh, nhưng bởi chính Ngài, Bánh Hằng Sống đích thật. Xin Chúa giúp chúng con sử dụng của ăn thiêng liêng này cho tốt đẹp và hoàn hảo. Xin làm cho chúng con được tươi mát nhờ bởi hương thơm tốt lành của Chúa. Xin Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy tình yêu Ngài trên chúng con. Trong khi đó, chúng ta hãy chuẩn bị cho của ăn thiêng liêng này bằng cách mở lòng dọn chỗ trong tâm hồn chúng ta. Amen”. (Thánh Francis de Sales)Cầu
Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta – Đoạn 1 Cộng Ðoàn Truyền Tin - tạm truyển dịch 2019 Nguyễn Cao Hoàng Thy
Lời giới thiệu: Bạn còn nhớ có lần nào mình có được một bữa ăn thật thân tình và đầm ấm với những người thân của mình không? Không chỉ ngồi ăn chung, nhưng thật sự vui vì sự có mặt của những người thân này và thấy thương mến nhau? Phần đông trong những bữa ăn thường ngày, chúng ta ít khi có cảm nghiệm này. Nhưng đối với Thiên Chúa thì Ngài muốn chuẩn bị cho chúng ta một bữa ăn đậm đà thân tình như vậy. Ngài muốn mời chúng ta dự bữa ăn này qua Bí Tích Thánh Thể. Kinh Thánh nói với chúng ta: Thiên Chúa là tình yêu (1Ga:8). Mọi sự Chúa làm đều đến từ tình thương, và là cách bày tỏ tình thương của Ngài. Ngài tạo dựng chúng ta vì yêu chúng ta, Ngài chết trên cây thánh giá để cứu chuộc chúng ta và nhờ đó chúng ta được dự phần trong tình thương của Ngài. Thiên Chúa lại tiếp tục mời gọi chúng ta bước sâu vào tình yêu toàn vẹn của Ngài qua Bí Tích Thánh Thể. Ngài muốn kết hợp chúng ta với Ngài, để tuôn đổ tình yêu Ngài xuống trên chúng ta và Ngài muốn được đón nhận tình yêu của chúng ta dành cho Ngài. Qua hình dạng của bánh và rượu, Thiên Chúa thật sự ở cùng chúng ta một cách trọn vẹn.
“Nếu các thiên thần có thể ganh tị với loài người, thì họ sẽ ganh vì một lý do duy nhất, đó là Phép Thánh Thể mà loài người được Chúa ban cho.” (Thánh Maximilian Kolbe)
Nối kết: - Bạn làm cách nào bạn thích nhất để tạo nên niềm vui được có người thân, hay bạn bè hiện diện bên mình? - Bạn nghĩ sao về tình thương Chúa dành cho bạn (vì Ngài cũng muốn tạo cơ hội để được ở bên bạn)?
Tìm hiểu sâu hơn: Bí Tích có nghĩa là gì? Giáo Lý Công Giáo định nghĩa các phép bí tích là “những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng, do Chúa Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh, qua đó Thiên Chúa ban cho chúng ta sức sống thần linh.” (GLCG 1131) Điều này có nghĩa rằng bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, các bí tích mang cho chúng ta những ân sủng tùy theo đặc nét riêng của từng bí tích.
Bí tích là dấu chỉ hữu hình bề ngoài để thể hiện cho chúng ta thấy những hành động vô hình siêu nhiên của Chúa Kitô. Thiên Chúa mong nuốn chúng ta nhận biết tình yêu và ân sủng Ngài một cách sâu sắc, vì vậy, những hình thức bề ngoài của các bí tích giúp chúng ta cảm nhận một cách thực tế món quà tình yêu và hồng ân của Chúa.
Ân sủng là món quà Chúa ban cho ta hoàn toàn nhưng không và cũng không phải vì ta xứng đáng. Nhờ ân sủng mà chúng ta được tham gia vào đời sống thần linh của Thiên Chúa. Những ân sủng được truyền đạt từ Hội Thánh qua các phép bí tích được gọi là ơn bí tích. Hiệu quả của những ân sủng này vừa mang tính cách cá nhân lẫn cộng đoàn vì nó liên kết Thiên Chúa với Hội Thánh. Những hiệu quả này được triển nở nhờ bởi lòng trung thành của đời sống Kitô hữu và lòng sốt sắng tham gia trong những sứ vụ của Hội Thánh.
Chính Chúa Giêsu đang hoạt động trong các phép bí tích. Mặc dầu chúng ta nghe và nhìn thấy linh mục nói và cử hành các nghi thức, nhưng sự thật, chính Chúa Giêsu đang làm việc qua các phép bí tích để ban tặng cho chúng ta ân sủng mà Ngài đã dành được cho chúng ta khi Ngài hy sinh mạng sống mình trên cây Thánh Giá. (GLCG 1084-85).
LÀM SAO ĐỂ BIẾT CÁC BÍ TÍCH CÓ HIỆU QUẢ? Hội Thánh dạy rằng các bí tích có hiệu quả do chính hành động của bí tích khi được cử hành – ex opere operato (hiệu quả do sự), có nghĩa là: phép bí tích được chính Chúa Giêsu lập ra, nên tự trong thể chất của mỗi phép bí tích đều có hiệu lực vì quyền năng các bí tích đến từ Chúa Kitô, chứ không phải từ sự thánh thiện của chúng ta hay của người cử hành nghi thức các bí tích. Dù cho chúng ta sốt sắng hay thờ ơ khi đón nhận những hoa quả của các bí tích, mỗi phép bí tích vẫn có hiệu lực mang đến những ân sủng của từng bí tích. Những hình ảnh, vật liệu đơn sơ, thông thường để dùng trong các phép bí tích chúng ta có thể nhìn thấy được như nước, dầu, bánh, rượu; còn những hiệu quả của các bí tích thì ẩn khuất, khó thấu suốt được. Có khi với một đức tin vững vàng và trái tim rộng mở, chúng ta cũng thường ít khi cảm thấy được no sau khi rước lễ, nhưng Thánh Thể là Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa Giêsu Kitô, vì vậy, nếu chúng ta chuẩn bị tâm hồn để rước Chúa với tấm lòng cung kính, thì Thánh Thể Chúa sẽ nuôi dưỡng chúng ta dù cho chúng ta có cảm thấy no đầy hay không.
PHIM: THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
Những vị anh hùng & tử đạo vì Thánh Thể Chúa Kitô
Hai vị linh mục của Giáo Xứ Thánh Philip Neri tại New York, năm 1912 – họ liều mạng xông vào nhà thờ đang bị cháy lớn để mang Mình Thánh Chúa ra ngoài cho khỏi bị lửa thiêu rụi.
Thánh Tarcisius, cậu bé 12 tuổi, vào thế kỷ thứ ba, thời Hoàng Đế La Mã đang bắt đạo. Cậu được sai đi mang Mình Thánh Chúa đến cho những tín hữu đang bị bắt và sắp chịu án tử hình. Giữa đường cậu bị đám thanh niên đòi xem cậu mang gì trong mình, nhưng cậu bé cương quyết không cho chúng xúc phạm đến Thánh Thể Chúa và chúng nó đã đánh đập cậu cho đến chết.
Thánh Edmund Campion, Anh Quốc, năm 1581, thời Hoàng Hậu Elizabeth đang ngự trị. Đạo Công Giáo bị bắt bớ - ai tham dự hoặc cử hành Thánh Lễ thì mang tội phản quốc. Các cha & giám mục bị truy lùng và chánh phủ cho tiền thưởng cho ai nộp họ. Ông Edmund đã lén ra đi trốn sang La Mã để xin gia nhập vào Dòng Tên. Dọc đường, ông bị bắt, bị nhốt trên tháp cao và bị hành hạ dã man, cuối cùng bị treo cổ.
Cô gái nhỏ người Công Giáo Trung Hoa, năm 1900. Quân lính đến tàn phá nhà thờ trong một làng quê, linh mục bị bắt, nhà tạm bị lấy đi. Lính vất tung xuống đất 32 miếng bánh thánh đã được truyền phép. Cô bé gái nhìn thấy và mỗi tối lẻn vào nhà thờ, quỳ gối trước Mình Thánh Chúa cầu nguyện và mỗi đêm cô rước Chúa, suốt 32 đêm. Đêm cuối cùng, sau khi rước mảnh cuối của Mình Thánh Chúa, cô bé bị lính phát giác nên bỏ chạy. Lính rược bắt cô bé và đánh đập cô cho đến chết.
Thánh Clara thành Assisi, nước Ý, năm 1224. Sơ Clara sáng lập Dòng Clara Khó Nghèo, cô được tin vua La Mã Federicô đệ nhị đang sai lính đến đập phá tu viện của dòng. Sơ liền cầm theo mặt nhật trong đó có chứa đựng Mình Thánh Chúa và bước ra đối phó với quân La Mã. Khi Sơ nâng cao mặt nhật lên và cầu xin Chúa cứu giúp tu viện, đám quân bỗng nhiên khiếp sợ và bỏ chạy, tu viện được thoát nạn.
Người Công Giáo tin gì?
Bí tích Thánh Thể là một trong 7 phép bí tích. Bí tích Thánh Thể là tâm điểm của các bí tích khác.
Bí tích là phương tiện mang đến ân sủng do Chúa Giêsu lập ra để truyền ban cho chúng ta đời sống thần linh của Ngài.
Bánh và rượu trở thành Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa Giêsu Kitô hoàn toàn hiện diện trong phép Thánh Thể.
Chuyển đổi bản thể - dù cho hình dạng bên ngoài thì mắt thấy là bánh và rượu, lưỡi nếm hương vị bánh và rượu, nhưng thật sự bên trong, bánh rượu đã được chuyển đổi, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, để trở thành Mình, Máu, Linh Hồn, và Thần Tính Chúa Giêsu Kitô cách trọn vẹn.
Hình ảnh khiêm nhường, đơn sơ bề ngoài của bánh rượu chỉ đến một sự thật siêu nhiên về lương thực nuôi linh hồn.
Thiên Chúa ở với dân Ngài.
Các bữa ăn là cơ hội cho chúng ta phát triển các mối liên hệ của mình với người khác.
Thiên Chúa là tình yêu. Ngài dựng nên ta từ tình yêu của Ngài để mời gọi chúng ta bước vào sự kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Trong Cựu Ước, những lần Thiên Chúa tỏ mình ra thí dụ như qua đám mây, hoặc ngọn lửa trong bụi cây, nơi hòm bia chứa giao ước, trong đền thánh… Những hình ảnh này của Thiên Chúa trong Cựu Ước tiên báo về Bí Tích Thánh Thể.
Khi Chúa hiện ra trong ngọn lửa nơi bụi cây, Ngài nói với ông Môse, “Ta là Đấng Hằng Hữu” – không những Ngài là Đấng hằng có đời đời, nhưng Ngài muốn nói Ngài hằng luôn hiện diện với dân Ngài.
Ngài luôn lập đi lập lại điệp khúc này trong các giao ước của Ngài với dân: “Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi thờ, và các ngươi sẽ là dân của Ta.” (XH 6:7)
Mầu nhiệm Nhập Thể là cao điểm của kế hoạch Chúa lập ra để ở với dân Ngài.
Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể để Ngài luôn ở lại với chúng ta.
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hóa bánh và rượu thành Mình Máu Ngài, và Ngài truyền cho các Tông Đồ tiếp tục làm như Ngài đã làm. Mỗi khi bạn tham dự Thánh Lễ ở bất cứ nơi nào trên trái đất, bạn đều được cơ hội rước Thiên Chúa vào lòng mình qua Bí Tích Thánh Thể.
Thiên Chúa trao ban chính Ngài cho chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể, không những để ban ơn giúp sức cho chúng ta trong cuộc hành trình của đời ta, nhưng còn để Ngài cùng đi với chúng ta từng giây từng phút trong cuộc hành trình này.
Nhiều người cảm thấy trống vắng trong lòng nhưng họ không biết là lòng mình đang khao khát Chúa. Phúc thay cho chúng ta vì trước khi ta có ý định tìm Ngài, thì Thiên Chúa của chúng ta đã tiềm kiếm chúng ta rồi. Nếu bạn mong được đến gần Chúa, hãy biết rằng Ngài thật sự đang ở kề bên bạn. Hãy mở lòng cho Ngài ngự đến. Ngài yêu thương bạn và muốn giúp bạn trở nên tốt đẹp, hoàn hảo hơn. Vì vậy, khi bạn kết hiệp với Ngài, bạn sẽ giống Ngài hơn. Hãy để Chúa chiếm ngự bạn để Ngài nâng bạn lên càng giống hình ảnh Ngài.
Đào sâu hơn:
Danh hiệu của Bí Tích Thánh Thể: Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh đời sống Kitô Giáo. Bí tích Thánh Thể chứa đựng tất cả mọi của cải thiêng liêng của Hội Thánh Công Giáo. Vì vậy, Giáo Hội gọi Bí Tích Thánh Thể bằng nhiều danh hiệu. Mỗi tên phản ảnh một khía cạnh khác nhau: - Thánh Lễ Tạ Ơn – hành động tuyệt vời để bày tỏ lòng biết ơn Chúa. - Bữa Ăn của Chúa – vì Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly và củng nói lên nói lên sự tiền dự vào Bữa Tiệc Cưới Con Chiên tại Giê-ru-sa-lem trên Nước Thiên Đàng. - Lễ Bẻ Bánh – vì Chúa Giêsu đã bẻ bánh trong Thánh Lễ đầu tiên trong bữa Tiệc Ly. Nhờ việc bẻ bánh, các môn đệ ở Emmaus nhận ra Chúa sau khi Người phục sinh. Vì vậy, các Ki-tô hữu đầu tiên gọi những buổi cử hành thánh lễ là Lễ Bẻ Bánh. - Đồng Bàn - vì được cử hành trong cộng đoàn tín hữu. Cộng đoàn Thánh Thể là hình ảnh hữu hình của Hội Thánh. - Cuộc Tưởng Niệm Chúa Giêsu Chịu Chết và Sống Lại, và Hy Tế Thánh Lễ - vì qua đó, sự hy sinh của Chúa trên Thánh Giá được thể hiện ngay trước mặt chúng ta và đồng thời mời gọi chúng ta hiệp cùng Chúa Giêsu mà dâng chính mình cho Chúa Cha như lễ vật hy sinh. - Phụng Vụ Thánh Thiện và Thần Linh, và Mầu Nhiệm Rất Thánh – vì là tâm điểm của toàn thể phụng vụ Hội Thánh và cùng được tham gia vào phụng vụ của Thiên Đàng. - Bí Tích Cực Thánh - vì là Bí Tích cao trọng nhất trên các bí tích. - Bí Tích Hiệp Thông - vì qua bí tích này, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Ki-tô để tất cả trở nên một thân thể. - Thánh Lễ Misa – vì chử “misa” đến từ tiếng Latin: “missio” nghĩa là sai đi. Thánh lễ kết thúc với lời Hội Thánh sai các tín hữu đi vào đời, để họ thực thi thánh ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
CHIA SẺ:
Bạn có học điều gì mới hoặc có ý tưởng nào hay, lạ mà bạn nhận được qua đề tài hôm nay không?
Bí Tích Thánh Thể được gọi bằng nhiều tên khác. Bạn thích tên nào nhất? Tại sao?
Đoạn phim vừa rồi có đặt câu hỏi: “Thiên Chúa vĩ đại đến mức nào?” và “Thiên Chúa nhỏ bé đến mức nào?” Bạn sẽ trả lời ra sao? Nhìn theo ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể, bạn thấy Thiên Chúa vừa “lớn” và vừa “nhỏ” như thế nào?
CAM KẾT: (Mời bạn làm phần này ở nhà và chuẩn bị để chia sẻ với nhóm trong kỳ tới). Bạn cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong đời bạn như thế nào?
Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa mong muốn được ở cùng dân Ngài. Thiên Chúa của vũ trụ đã chọn để cùng đi và ở lại với dân Ngài. Khi Ngài tỏ danh Ngài cho ông Môisen nơi bụi cây đang cháy, Ngài không những bày tỏ quyền năng Ngài, nhưng Ngài cũng hiện diện ở đó. Hãy đọc chậm và suy gẫm đoạn này:
“Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Môsê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo: "Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?" Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: "Mô-sê! Mô-sê! " Ông thưa: "Dạ, tôi đây! " Người phán: "Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh." Người lại phán: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp." Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.
Đức Chúa phán: "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật, xứ sở của người Ca-na-an, Khết, E-mô-ri, Pơ-rít-di, Khi-vi và Giơ-vút. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập." Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: "Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập? " Người phán: "Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này."
Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: "Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?" Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: "Ta là Đấng Hiện Hữu." Người phán: "Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: "Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em." Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: "Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: Đức Chúa , Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia." (XH 3:2–8, 10–15)
- Điều gì đánh động lòng bạn? - Làm sao để Chúa Giêsu Thánh Thể trở thành sức mạnh và nguồn an ủi trong đời bạn?
Đây là lời Chúa Giêsu hứa với bạn: “Ta sẽ luôn ở cùng con” (Mat 28:20). Ngài đang hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể để cùng đi với bạn trong từng gia đoạn của cuộc đời.
- Làm cách nào để Bí Tích Thánh Thể trở thành sức mạnh và nguồn an ủi cho bạn trong cuộc sống? - Có cách nào để giúp bạn thêm lòng yêu quý sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể?
Cầu nguyện kết thúc: Lạy Thiên Chúa Đấng cứu độ con, con tin tưởng và không còn sợ hãi, vì Chúa là sức mạnh của con, chính Ngài cứu độ con. Con vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ. Hãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh Người, loan báo công nghiệp Người giữa muôn dân và nhắc nhở: danh Người siêu việt. Đàn ca lên mừng danh Chúa, vì Người đã thực hiện bao kỳ công; điều đó, phải cho toàn cõi đất được tỏ tường. Dân Xion, hãy reo hò mừng rỡ, vì Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại! Amen. (TV12)