Bài đọc 1Xh 3,1-8a.13-15 Lời Chúa trong sách Xuất hành.
Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?” Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: “Mô-sê! Mô-sê!” Ông thưa: “Dạ, tôi đây!” Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” Người lại phán: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa. Đức Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật. Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” Thiên Chúa phán với ông Môsê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.” Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.”
Đáp ca Tv 102,1-2.3-4.6-7.8 và 11 (Đ.c.8a) Đáp: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.
2) Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.
3) Chúa phân xử công minh, bênh quyền lợi những ai bị áp bức, mặc khải cho Mô-sê biết đường lối của Người, cho con cái nhà Ít-ra-en thấy những kỳ công Người thực hiện.
4) Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Bài đọc 21 Cr 10,1-6.10-12 Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê. Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Ki-tô. Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc. Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách, như một số trong nhóm họ đã lẩm bẩm kêu trách: họ đã chết bởi tay Thần Tru Diệt. Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này. Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã. Tung hô Tin MừngMt 4, 17 Chúa nói: anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.
Tin MừngLc 13,1-9
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’ Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”
Suy Niệm Mỗi người chúng ta đều là kẻ tội lỗi, đều có thể phải đối diện với Đấng phán xét bất cứ lúc nào. Bởi vậy, ngày nào, giờ nào, phút nào cũng mang tính khẩn trương: đây có thể là ngày cuối, giờ cuối, phút cuối... trước khi ra mắt Đấng phán xét. Lời Chúa hôm nay phải thức tỉnh chúng ta. Đừng đấm ngực người khác, hãy đấm ngực mình mà sám hối cho thật, cho mau kẻo hối hận cũng không còn kịp nữa.
Có thể chúng ta nghĩ rằng: mình là người tín hữu đạo đức, sốt sắng, mình đi dự lễ, rước lễ đều đặn, mình cũng làm việc bác ái, cũng đi xưng tội, vì thế lời kêu gọi sám hối không có liên hệ gì đến mình. Chính những người nghĩ như thế mới là người cần phải sám hối. Thánh Phaolô hôm nay đã nói: "Ai tưởng mình đứng vững thì hãy coi chừng kẻo ngã". Việc sám hối trở lại không bao giờ chỉ làm một lần là xong. Quả thực, lời kêu gọi hoán cải sám hối trong Tin Mừng hôm nay liên hệ đến tất cả mọi người: bởi vì mỗi người chúng ta đều phải sống cuộc sống mới và vượt lên trên tất cả những gì cản trở chúng ta sống cuộc sống mới nầy, một cuộc sống hữu ích cho gia đình, cho xã hội và cho nhân loại.
Hành trình Mùa Chay không chỉ nhằm dẫn chúng ta quay trở lại quá khứ để ăn năn khóc lóc tội lỗi mình hay đến toà giải tội xưng thú tội lỗi mình... nhưng còn muốn dẫn chúng ta đến cuộc sống mới dồi dào hơn. Mùa Chay phải trở thành mùa đổi mới con người và xã hội, mùa nở hoa kết trái tình thương, mùa thực thi việc lành phúc đức... nếu không, chúng ta cũng sẽ bị tiêu diệt y như vậy hoặc có thể "năm tới sẽ bị chặt đi".
Chúng ta có Giáo Hội, các bí tích, giao ước mới, sách Tin mừng, nhất là có Chúa hiện diện ngày đêm. Vì thế không ai có thể phàn nàn điều gì. Mỗi người đã được chăm lo cách quá ư trọng hậu...Nhưng mình cũng phải đóng góp về phía mình. Mình không thể ỷ lại vào Giáo Hội và các bí tích, hay tệ hơn, dựa vào đám quần chúng để sống tầm thường như họ. Phải có suy nghĩ, hồi tâm và lấy lòng thống hối chân thành, để hoán cải tình trạng của mình. Chỉ trong trường hợp đó, mình mới được ơn trợ giúp. Càng tránh né vấn đề, mình càng đi vào con đường suy vong.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mọi người sám hối, vì Thiên Chúa là Đấng luôn nhân từ hay thương xót, Ngài luôn động lòng trước nỗi thống khổ của con người, Ngài luôn thương và cứu giúp con người. Chúng ta cùng cầu xin Chúa, cho mỗi người chúng ta, được cảm nhận lòng yêu thương - nhân từ - kiên nhẫn của Thiên Chúa, để mỗi người chúng ta trở về với Ngài, và sinh hoa kết trái trong đời sống.
CẦU NGUYỆN – Đề tài #2 Bậc Thang của Guigo: Con Đường Đi Lên Cộng Ðoàn Truyền Tin: Tạm truyển dịch 2019 __Nguyễn Cao Hoàng Thy
Lời Nguyện Mở Đầu: Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy. Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài, xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa. Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ, để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung. Lạy Chúa, con dâng lời ca tụng, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con. Môi con hằng nhẩm đi nhắc lại, các quyết định miệng Ngài phán ra. Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể. Con sẽ gẫm suy huấn lệnh Chúa truyền, đưa mắt nhìn theo đường lối Chúa. Con vui thú với thánh chỉ, Ngài chẳng quên lời Ngài phán. (TV 119:9-16)
Lời Giới Thiệu: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời” (Gv 3:1). Những lời quen thuộc này, trích từ sách Giảng Viên. Mọi sự việc xẩy ra trong đời chúng ta đều có một “trật tự linh thiêng” theo thời gian của nó. Đây là một sự thật mà ai ai trong chúng ta cũng đều cảm nghiệm từ đáy lòng, dù cho chúng ta rất muốn nắm quyền điều khiển đời mình. Cái “trật tự linh thiêng” này càng quan trọng hơn khi chúng ta bước vào sự linh thiêng của việc cầu nguyện. Câu 7 của sách Giảng Viên nói tiếp: “một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng.” Qua đề tài tuần trước, chúng ta biết rằng cầu nguyện là một cuộc nói chuyện hai chiều với Chúa. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu những trật tự rõ ràng của cuộc nói chuyện này, bắt đầu từ Thiên Chúa khởi xướng câu chuyện, rồi đến những giai đoạn chúng ta nói với Chúa.
Nối kết ý tưởng:
Hãy nghĩ tới một lần bạn rất là khát nước. Cái gì sẽ giải khát bạn và làm bạn tươi tỉnh hơn? Xin chia sẻ kinh nghiệm này.
Bạn phải làm gì để bày tỏ cho người khác biết bạn đang thật sự chú ý lắng nghe họ?
Phim – Bậc Thang Của Cầu Nguyện:
I. Việc cầu nguyện có trật tự của nó - Thiên Chúa nói trước.
A. Muốn cho việc cầu nguyện được hữu ích, cần lưu ý hai điều quan trọng này: 1) Thiên Chúa nói trước – ta lắng nghe Chúa bằng cách đọc Lời Chúa trong Kinh Thánh. 2) Sau đó, chúng ta đáp trả Lời Chúa và tâm sự với Ngài.
Câu chuyện Chúa Giêsu nói chuyện với người phụ nữ Samaritanô bên giếng nước
(Gn 4:1-43). - Chúa Giêsu bắt đầu câu chuyện.Ngài nói trước:“Xin chị cho tôi chút nước uống”.Chúa khởi xướng cuộc đối thoại này. Khi cầu nguyện, người ta thường hay nói trước, khi mình cứ mãi nói thì mình không nghe được Chúa đang muốn nói gì với mình.
Chúng ta bắt đầu cầu nguyện bằng cách lắng nghe, để Chúa nói trước. Sách Đệ Nhị Luật 6:4, Thiên Chúa đã phán với dân Do Thái: “Nghe đây hỡi It-ra-en…”
– Chúa muốn dân hãy lắng nghe Chúa nói.Chúng ta cũng vậy, cần tập lắng nghe và làm theo Lời Ngài.Trong Tân Ước, chuyện Chúa Giêsu đến nhà bà Martha và Maria – bà Martha thì chủ động mọi việc, lăng xăng lo làm đủ thứ, trong khi đó, bà Maria chỉ ngồi dưới chân Chúa mà lắng nghe Ngài nói chuyện.Chúa nói:“Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi...”
Cầu nguyện đòi hỏi chúng ta mang thái độ khiêm nhường; giống như tâm trạng của một người “ăn xin”. Khi ta khiêm nhường, ta dễ mở lòng để lắng nghe và đón nhận.
Chúa than phiền về dân Do Thái vì họ không chịu nghe Ngài: “…dân Ta đã phạm hai tội: Chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước”. (Giêrêmia 2:13)
Trong hôn nhân cũng vậy – vợ chồng thường trách nhau là người này không chịu nghe người kia. Yêu nhau thì cần lắng nghe nhau và cần nói với nhau bằng tấm lòng mình.
Chúa nói với phụ nữ Samaritanô: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người đang nói với chị, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” (Gn 4:10) - Khi ta lắng nghe, ta sẽ nhận ra những món quà Chúa mang đến cho chúng ta. Lòng ta sẵn sàng hơn để đón nhận những ân huệ Chúa muốn ban cho. Chúa Giêsu muốn ban cho bà Samaritanô “nước hằng sống” để bà sẽ không còn khao khát những tình cảm chóng qua trong cuộc sống bà.
1. Chúa là mạch nước trường sinh.
2. Trong Cựu Ước, sách tiên tri Giêrêmia 2:13, Thiên Chúa nói: “vì dân Ta đã phạm hai tội: chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước”. Người Do Thái khi xưa họ thường xây hồ chứa nước để tích trử cho mùa hè vì hiếm khi trời mưa. Một khi hồ rạn nứt, nước sẽ bốc hơi. Chúa than trách dân Do Thái đã chọn xây hồ dể rạn nứt mà không chọn Chúa là “mạch nước trường sinh”, mang lại sự sống. Đây củng là hình ảnh nhân loại đam mê những thứ phù phiếm bất toàn, thay vì sống trung thành trong tình yêu Chúa.
3. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu nói với phụ nữ Samaritanô Ngài chính là “mạch nước trường sinh” – nước hằng sống. Sau đó, bà ta đã bỏ vò nước lại đó mà chạy về thành để loan báo cho dân làng biết về Chúa Giêsu. Bà đã tìm được “nước hằng sống” – mạch nước trường sinh. Trật tự rất quan trọng – Chúa nói với chúng ta qua Kinh Thánh, và chúng ta đáp trả. Khi cầu nguyện với bài Phúc Âm này, chúng ta cũng có thể nói với Chúa: “Lạy Chúa, con cũng muốn xin Chúa ban cho nước hằng sống, để linh hồn con không còn khao khát những gì là tạm bợ, bất toàn, như những hồ nước bị nứt rạn, không làm thỏa mãn linh hồn con…, xin dạy con cầu nguyện,…”
Cha Guigo Dòng Carthusian – chỉ cho chúng ta cách cầu nguyện hữu hiệu theo trật tự 4 giai đoạn:
Meditatio – Suy gẫm, suy niệm, hoặc suy nghĩ về đoạn Kinh Thánh vừa đọc xong.
Oratio – Nói chuyện / tâm sự với Chúa (sau khi ta suy gẫm).
Contemplatio – Cảm nghiệm mình đang được ở trong sự hiện diện của Chúa.
Bậc thang của cầu nguyện
Đầu tiên, chúng ta phải đặt chân lên bậc thấp nhất, từ từ bước lên bậc kế tiếp cao hơn.
“Cái thang này chỉ có vài bậc thôi, nhưng chiều cao của nó thật vĩ đại và tuyệt vời, bởi vì bậc thấp nhất tuy nằm gần mặt đất, nhưng bậc cao nhất thì xuyên thấu các tầng mây và chạm đến Thiên Đàng huyền nhiệm. (Guigo - Carthusian).
Chúng ta không cần xây tháp Ba-bên để với đến Thiên Chúa vì Ngài đã cho chúng ta bậc thang cầu nguyện để ta được đến với Ngài. Hãy lắng nghe và làm theo Lời Ngài.
Chia sẻ:
Bạn đã học được điều gì hay, hoặc đặc biệt, và mới lạ trong đề tài hôm nay?
Vì sao câu chuyện phụ nữ Samaritanô bên giếng nước là chuyện mô tả về cuộc gặp gỡ Chúa Kitô qua cầu nguyện? Bạn thấy hoàn cảnh mình có gì liên quan đến câu chuyện này không?
Khi cầu nguyện, có bao giờ bạn không dùng những bậc thấp của “cái thang cầu nguyện” mà chỉ bước thẳng lên bậc cao nhất không? Làm như vậy có hiệu quả cho bạn không?
Bạn thấy khoảng cách giữa những bậc thang có đều nhau không (bước lên từ bậc này đến bậc kế tiếp có dễ như nhau, hay khó để bước lên các bậc cao hơn).
Có bậc nào là khó nhất đối với bạn? Vì sao lại khó vậy?
Câu ghi nhớ: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống." (Gn 4:10)
Lời nguyện kết thúc: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa luôn tiếp tục mời gọi chúng con gặp gỡ Chúa một cách sâu đậm hơn. Xin cho chúng con luôn hăng hái đáp lại lời mời gọi của Chúa. Khi chúng con được lãnh nhận món quà “nước hằng sống” mà Chúa ban cho trong giờ cầu nguyện, xin cho lòng trí và đời sống chúng con được biến đổi để phản ảnh sự vinh quang của Chúa. Amen.