Hãy nghe đây lời minh định của Đức Khôn Ngoan: “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra. Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra, khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiêntạo nên vũ trụ. Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời, khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm, khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm, khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất.Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.”
Đáp ca Tv 8,4-5, 6-7, 8-9 ( Đ. c.2a) Đáp: Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu .
1) Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài,thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
2) Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
Bài đọc 2Rm 5, 1-5 Lời Chúa trong thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Thưa anh em, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.
Tung hô Tin Mừngx. Kh 1,8 Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa đã có, hiện có và đang đến, xin tôn vinh chúc tụng muôn đời. Ha-lê-lui-a.
Tin MừngGa 16,12-15 ✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”
Suy Niệm
LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI Sự Kết Hợp của Tình Yêu Tận Hiến Cộng Ðoàn Truyền Tin Cầu nguyện mở đầu: Chúa Kitô ở với tôi, Chúa Kitô đằng trước tôi, Chúa Kitô phía sau tôi, Chúa Kitô bên dưới tôi, Chúa Kitô ở trên tôi, Chúa Kitô bên phải tôi, Chúa Kitô bên trái tôi, Chúa Kitô trong hơi thở tôi, Chúa Kitô nơi chiều dài, chiều cao, Chúa Kitô trong tim của những người đang nghĩ đến tôi, Chúa Kitô trên miệng những ai đang nói đến tôi, Chúa Kitô trong ánh mắt của từng người đang nhìn thấy tôi, Chúa Kitô trong đôi tai những kẻ đang nghe tôi. Hôm nay tôi chỗi dậy nhờ bởi một sức mạnh hùng vĩ, nhờ lời cầu khẩn của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa, qua sự tuyên xưng Một Đấng Duy Nhất, Đấng Tác Tạo muôn loài. Ơn Cứu Độ là của Thiên Chúa. Ơn Cứu Độ là của Thiên Chúa. Ơn Cứu Độ là của Chúa Kitô. Lạy Chúa, xin cho Ơn Cứu Độ của Ngài
- Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói đến mối liên hệ - cho đi và nhận lấy của Chúa Ba Ngôi: “…khi Thần Khí đến, … những gì Người nghe (từ Thầy), Người sẽ loan báo cho anh em… Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy…Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em…” (Gn 16:12-15)
- Chúng ta nhìn thấy được một mối tương quan thật mật thiết của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa hành động qua tình yêu tận hiến – một sự kết hợp giữa sự sống và tình yêu (GLCG 1024). Nghĩa là một mối tình cảm trao đi và đón nhận.
- Thiên Chúa trao ban chính mình Ngài cho chúng ta – Ngài đã chết để chuộc tội cho chúng ta và Ngài vẫn tiếp tục trao ban chính Ngài cho chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể, qua sự sống của Ngài là chính Thần Khí Ngài. Thần Khí Chúa Kitô đang ngự trong chúng ta. Đây quả thật là một tình yêu tận hiến!
- Sách Sáng Thế Ký (St 1:26): “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” - Thiên Chúa muốn chúng ta nên giống Ngài – như Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài muốn chúng ta noi gương và làm nhân chứng cho Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Nghĩa là: Thiên Chúa Ba Ngôi muốn uốn nắn cuộc đời chúng ta cho giống sự sống của Ngài. Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa – nghĩa là chúng ta được dựng nên để yêu thương như Chúa yêu thương, để cho đi hoàn toàn chính mình như Thiên Chúa cho chúng ta hoàn toàn chính Ngài, để tận hiến chính mình cho Thiên Chúa và tha nhân.
- Thánh GH Gioan Phaolô II nói: “Làm người có nghĩa là hướng đến sự nhận diện mình là ai, điều này chỉ đạt được khi mình biết thành thật trao tặng chính bản thân mình.” Nghĩa là chỉ khi nào mình biết cho đi chính mình thì mình mới thật sự biết mình là ai. Thánh Gioan Phaolô II nói tiếp: “Chính Thiên Chúa Ba Ngôi, sự liên kết của Ba Ngôi, là hình ảnh gương mẫu để diễn tả về con người.”
- Chúng ta sống trong một xã hội ích kỷ, trong những mối liên hệ trong cuộc sống, chúng ta thường nhắm đến “những gì có lợi cho bản thân tôi” – “tôi được gì trong mối liên hệ này…” Chúng ta cần noi gương Thiên Chúa Ba Ngôi, và tự hỏi: “Tôi có thể cho đi điều gì? Tôi làm thế nào để trao ban chính mình trong mối liên hệ giữa tôi và Chúa, giữa tôi và tha nhân?” Chúng ta cần sống vị tha, quên mình và chú tâm vào sự liên kết yêu thương mà Chúa Kitô đã làm gương cho chúng ta trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin bạn hãy cầu nguyện về điều này và xem mình cần thay đổi như thế nào để những mối liên hệ của mình trở nên giống Thiên Chúa Ba Ngôi hơn. Lectio Divina – Suy Ngẫm
Bạn đã học hỏi điều gì về Thiên Chúa qua bài Phúc Âm hôm nay? Đức Chúa Thánh Thần có vai trò gì trong cuộc sống chúng ta?
Cô Jules Miles, giảng viên, nhắc đến một đoạn trong sách Sáng Thế Ký, ở đây, Thiên Chúa dùng danh từ “chúng ta”, “của chúng ta” để nói về Ngài: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1:26). Theo như câu Kinh Thánh này, bạn có ý tưởng gì khi Thiên Chúa nói về chính Ngài mà lại dùng danh từ: “chúng ta”? Danh từ “chúng ta” có gợi lên cho bạn ý tưởng về Ba Ngôi Thiên Chúa không?
Cô giảng viên có nói đến đời sống nội tâm của Thiên Chúa là sự kết hợp của một tình yêu tận hiến (tình yêu trao ban chính mình). Theo như cô ta thì đâu là sự khác biệt giữa tình yêu “tận hiến” và tình yêu “ích kỷ”?
Lectio Divina - Cầu Nguyện & Quyết Tâm Thực Hành
Cầu Nguyện: Hãy đặt mình trong khung cảnh bài Phúc Âm hôm nay và tưởng tượng bạn đang ngồi với các môn đệ khi Chúa Giêsu nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” Khi bạn nghe Ngài nói những lời này, bạn hãy nghĩ đến những mối liên lệ tình cảm quan trọng trong đời mình. Có thể là đối với vợ, chồng, con cái, anh chị em, hoặc cha mẹ mình. Thần Khí sự thật đang muốn nói gì với bạn về những mối tương quan này? Có thể Thiên Chúa đang thúc đẩy bạn thay đổi điều gì trong cách bạn liên đới với những người này? Chúa Thánh Thần mời gọi bạn “cho đi” chính mình nhiều hơn trong mối liên hệ này như thế nào? Mời bạn suy nghĩ và cầu nguyện để thấy Chúa đang chỉ dẫn bạn biết yêu mến những người trong đời mình cho giống tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi hơn.
Quyết Tâm Thực Hành: Trong tuần này, bạn hãy chọn một mối liên hệ trong đời mình và làm một việc gì tốt đẹp hơn cho mối liên hệ này, để phản ảnh “tình yêu tận hiến” của Thiên Chúa Ba Ngôi.
“Vào cuối cuộc đời, tất cả chúng ta đều bị xét xử theo lòng bác ái của mình.” (Thánh Gioan Thánh Giá)