Trong kinh Lạy Cha chúng ta vốn đọc hằng ngày: Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Phải chăng đó chính là lời Chúa mời gọi chúng ta hãy biết sống khoan dung và nhân ái đối với những người chung quanh để rồi chúng ta sẽ được hưởng nhờ lòng khoan dung và nhân ái của Chúa.
Còn chúng ta thì sao, liệu chúng ta có sẵn sàng tha thứ cho anh em để rồi bản thân chúng ta sẽ được hưởng nhờ lòng thương xót của Chúa hay không Dụ ngôn hôm nay không những nhắc lại điều đó, mà còn cho thấy, tội ta xúc phạm đến Chúa muôn ngàn lần nặng nề hơn anh em xúc phạm đến ta. Thế mà Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ cho ta một cách mau chóng, nhẹ nhàng, chỉ với một điều kiện là ta cũng phải tha cho anh em những lỗi lầm ít ỏi anh em xúc phạm đến ta.
A) Phải tha thứ vì con người là bất toàn. Có những xúc phạm cố ý. Nhưng rất nhiều khi xúc phạm chỉ là vô tình, thiếu ý thức. Chỉ cần một chút cảm thông, hiểu biết, tôi sẽ dễ bỏ qua, không chấp nhất. Nếu cứ mỗi lần bị xúc phạm tôi không thể nào nguôi ngoai thì chính tôi là người khổ nhất, vì tâm hồn mang nặng oán hờn sẽ không bao giờ bình an. Nếu tôi loại trừ tất cả những ai xúc phạm, thì sau cùng tôi sẽ chẳng còn sống với ai được. Tôi sẽ mất hết bạn bè. Thế giới sẽ chỉ toàn kẻ thù. Và tôi sẽ trở thành cô đơn.
B) Phải tha thứ vì chính ta cần được thứ tha. Tôi cần sự tha thứ của chính mình vì bản thân tôi có biết bao lầm lỗi. Nếu tôi không tự tha thứ cho mình thì lương tâm sẽ cắn rứt dày vò khiến tôi suốt đời buồn phiền. Tôi cần sự tha thứ của người khác vì tôi đã xúc phạm nhiều đến anh em. Nếu mọi người không tha thứ cho tôi thì tôi đã bị khai trừ khỏi xã hội. Tôi cần sự tha thứ của Chúa vì tôi đã lỗi phạm đến Chúa rất nhiều. Nếu Chúa thẳng tay trừng phạt những tội xúc phạm đến Người thì tôi đã chết từ lâu. Biết bản thân mình yếu đuối, nhiều lỗi lầm, cần được tha thứ, tôi sẽ dễ cảm thông tha thứ cho anh em.
C) Phải tha thứ vì đó là điều kiện để được thứ tha. Trong Tin Mừng, Chúa nhấn mạnh điều này rất nhiều lần. Khi dạy ta đọc kinh Lạy Cha, Chúa bắt ta phải hứa tha thứ cho anh em khi xin Người tha thứ lỗi lầm của ta. Ở cuối kinh Lạy Cha, thánh Matthêu còn thêm: "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em" (Mt 6,14-15).
Trong mối liên hệ giữa người với người, chúng ta thấy công bằng phải đi trước bác ái và làm nền tảng cho bác ái, bởi vì nếu không có công bằng thì cũng chẳng có bác ái. Thế nhưng nhiều lúc chúng ta phải vượt lên trên cái nền tảng công bằng này để biểu lộ một tình yêu thương và tha thứ. Chúng ta cần tha thứ để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là người Cha rất nhân từ và rất hay tha thứ. Chúa Giêsu đã khắc họa rất rõ nét chân dung nhân từ của Thiên Chúa Cha trong dụ ngôn "Người Cha nhân hậu". Và Người không ngừng mời gọi ta hãy nên hoàn thiện như Chúa Cha.
Câu hỏi gợi ý:
1) Nếu bạn chợt nhận ra mình cũng yếu đuối và dễ lầm lỗi như người mà bạn đang kết án, thì bạn có còn muốn kết án họ không?
2) Bạn có dễ dàng tha thứ lần nữa cho người mà bạn đã từng tha cho một món nợ lớn, nhưng chính người ấy lại không chịu tha cho con cái bạn một món nợ rất nhỏ không?
3) Khi bạn mang trong mình một nỗi hờn giận, tâm hồn bạn có bình an không? Cách tốt nhất và khôn ngoan nhất để giải quyết nỗi hờn giận ấy là gì?