Khi Ông Mô-sê đang ở trên núi Xi-nai, Đức Chúa phán với ông: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: ‘Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập’.” Đức Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.” Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.” Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.
Đáp ca Tv 50, 3-4.12-13.17 và 19 (Đ. x. Lc 15, 18)
Đáp: Tôi sẽ trỗi dậy, trở về với cha tôi.
1) Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
2) Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
3) Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.
Bài đọc 2 1Tm 1, 12-17
Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.
Anh thân mến, tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người. Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời. Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.
Tung hô Tin Mừng 2Cr 5, 19
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng Lc 15, 1-32
✠
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.’ Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng. “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’ “Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”
Hoặc: Bài đọc ngắn
Tin Mừng Lc 15, 1-10
✠
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.’ Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
Suy Niệm
Thiên Chúa luôn tôn trọng quyền tự do của chúng ta nhưng đồng thời mỗi người chúng ta lại phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình trước mặt Ngài. Trong cuộc đời, có khi chúng ta thắc mắc vì thấy người nọ người kia quá gian ác mà Thiên Chúa không phạt nó chết đi, để nó làm khổ người khác, làm khổ những người vô tội. Chúng ta thắc mắc như vậy vì không hiểu lòng Thiên Chúa. Cũng như một ông bố trong gia đình có đứa con hư không ai chịu nổi muốn tống cổ nó ra khỏi nhà, thế mà ông bố kia vẫn kiên nhẫn chịu đựng chỉ vì nó là con mình và mình đã sinh ra nó. Thiên Chúa cũng kiên nhẫn chờ đợi kẻ có tội chỉ vì Ngài là Cha nhân lành đã sinh ra nó, đã cứu chuộc nó bằng giá Máu cực trọng Con Ngài, có thế thôi. Thiên Chúa đi tìm và kêu gọi kẻ có tội, Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi nó hối cải, hơn nữa Ngài còn vui mừng đón nhận nó khi trở về. Dụ ngôn người đàn bà tìm thấy đồng tiền mất, người chăn chiên tìm thấy con chiên lạc và ông bố gia đình đón nhận người con phung phá trở về, cả ba dụ ngôn đó chứng minh như vậy. Thiên Chúa không tính toán thiệt hơn.Thiên Chúa luôn hành động vì yêu thương. Chính tình yêu đã thúc bách Ngài phải lên đường ngay để tìm con chiên lạc. Chính trong sự nhẫn nại của tình yêu đã làm cho Ngài tràn ngập niềm vui sướng khi tìm được đồng tiền đã mất. Con chiên và đồng tiền đánh mất tựa như cuộc đời của mỗi người chúng ta. Vì chạy theo danh vọng. Vì chạy theo những đam mê trần gian đã làm cho nhiều người lầm đường, lạc lối và đánh mất phẩm giá cao qúy của mình là hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Thiên Chúa dùng muôn nghìn cách để tìm lại chúng ta. Ngài sẽ làm tất cả để chuộc lại con người chúng ta. Thiên Chúa là thế. Vì là Cha, Ngài luôn trông chờ, sẵn sàng đón nhận chúng ta trở về. Chỉ cần chúng ta biết nhớ lại tình thương vô bờ bến của Cha, nhận ra sự dại dột của mình mà ăn năn sám hối. Chúa luôn tha thứ và muốn chúng ta được lãnh nhận ơn tha thứ, như một trong những ơn cao đẹp nhất của tình yêu Ngài ban cho con người.
Cầu Nguyện
Con vẫn rơi vào tội của người con thứ, khi coi Cha như người cản trở hạnh phúc của con. Con thèm được tự do bay nhảy ngoài vòng tay Cha, nhưng tự do ấy lại biến con thành nô lệ. Lạy Cha đầy lòng bao dung, xin kéo con trở về với Cha mỗi ngày, giúp con điều chỉnh những đam mê lệch lạc. Xin nâng con đứng lên trong niềm vui vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội của con vạn bội. Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ, con lại thấy mình hiền hòa hơn với tha nhân.
“QUO VADIS”: ĐƯỜNG THÁNH GIÁ CỦA PHÊRÔ Đề tài # 10 Cộng Ðoàn Truyền Tin
_tạm truyển dịch 2019
__Nguyễn Cao Hoàng Thy
Lời nguyện mở đầu: Lạy Cha, từ thủơ ban đầu, trong tình thương, Cha đã dùng Hội Thánh làm khí cụ mang ơn cứu độ cho loài người. Chúng con tạ ơn Cha đã ban cho chúng con Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền – là Giáo Hội Mẹ chúng con – luôn chăn dắt chúng con trở về cùng Chúa. Xin giúp chúng con noi gương các môn đệ Chúa, các thánh tử đạo, nhất là Thánh Phêrô, để chúng con có sức mạnh, vững tin và hân hoan xây dựng Nước Chúa trên trái đất này. Xin Chúa ban cho chúng con ơn khiêm nhường để làm nền tảng cho mọi cố gắng của chúng con. Như Thánh Phêrô, xin cho chúng con dâng hiến bản thân mình, can đảm vác thánh giá mà theo Chúa mổi ngày với hy vọng được lãnh nhận triều thiên vinh hiển. Chúng con xin vì danh Chúa Giêsu Kitô. Amen. Thánh Phêrô, cầu cho chúng con.
Lời giới thiệu: Tuần trước chúng ta nói đến những thị kiến Phêrô có về ông Co-nê-liô (Pudens) đại đội trưởng Rôma, thị kiến này dẩn đến việc ông Co-nê-liô và gia đình ông chịu Phép Rửa từ Phêrô. Một giai đoạn mới đã đến với Hội Thánh Công Giáo vì dân ngoại đã được chấp nhận vào Nước Thiên Chúa. Tình bạn hữu giửa Phêrô và Co-nê-liô phát triển từ đó và nhờ đó mà Phêrô đã thoát khỏi Hêrôđê Agrippa. Nhà ông Co-nê-liô Pudens trở thành nơi tạm trú, nơi giảng dạy và di chuyển của Phêrô từ đất thánh đến Rôma. Trong đề tài hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về cuộc sống của Phêrô tại Rô-ma và tột cùng, chúng ta sẽ thấy Phêrô đã “lãnh nhận triều thiên vinh hiển” như thế nào. Phêrô, một ngư phủ tầm thường mà trở thành tảng đá của Hội Thánh, ông sẽ minh chứng rằng tất cả mọi sự đều có thể làm được khi chúng ta đi theo Chúa Kitô.
Nối kết tư tưởng: 1. Bạn có đến viếng Nhà thờ Thánh Phêrô bao giờ chưa? Nếu có, xin chia sẻ kinh nghiệm này. Nếu chưa, bạn hãy chia sẻ về một nơi thánh địa hoặc nhà thờ nào bạn đã đến viếng thăm mà có ảnh hưởng trên bạn?
2. Có khi nào bạn tránh làm một công việc gì mà bạn biết đây là việc bạn phãi làm? Xin chia sẽ về hoàn cảnh này và bạn đã học được gì từ kết quả chuyện này?
3. Có khi nào bạn nhận ra được điều gì tốt đẹp ngay trong một hoàn cảnh khó khăn, đau khổ? Xin chia sẽ với nhóm của bạn.
Tóm lược phim
“Quo Vadis”: Đường Thánh Giá của Phêrô
Phêrô tại Rôma – Thánh Đường Santa Pudentiana
Đây là nơi Phêrô ở - là nhà của ông Pudens (Co-nê-liô) và các con gái của ông ta. Ông Pudens là người Rôma ngoại đạo nhưng tốt lành, sau này ông vô đạo và đã nhiệt tình ủng hộ công việc của Phêrô. Trong thời gian Phêrô ở Rôma, Phêrô sống tại nhà Pudens, đây là nơi Phêrô rao giảng, và hoạt động mọi sứ vụ của ông.
Sau này, nơi đây trở thành nhà của các Giáo Hoàng cho đến khi vua Constantine trao ban Cung Điện Lateran cho các Giáo Hoàng cư ngụ.
Thánh Đường Santa Pudentiana là di tích lịch sử của Kitô Giáo thời tiên khởi.
Trong thánh đường có tranh vẻ thánh Phêrô nhận chìa khóa từ tay Chúa Giêsu.
Tại đây có di tích phân nửa cái bàn thánh mà các tín hữu tin rằng chính Thánh Phêrô đã dùng để dâng Thánh Lễ. Phân nửa bàn còn lại được đặc trong Thánh đường Gioan Lateran.
Có phép lạ Thánh Thể xẩy ra tại Thánh Đường Santa Pudientiana – Một linh mục khi đang dâng dâng Mình Thánh Chúa lên trong Thánh Lễ, nhưng linh mục có thái độ thiếu trịnh trọng và đã làm rớt Mình Thánh Chúa xuống đất, Mình Thánh chợt bừng cháy, để lại dấu vết cháy nám trên sàn gạch cho tới ngày nay.
Tìm câu chuyện của chúng ta.
Thánh Truyền (Truyền thống của các Tông Đồ) là tất cả mạc khải của Thiên Chúa, từ lúc khai sinh lịch sử nhân loại đến lúc chấm dứt thời các Tông đồ, được truyền lại qua lời các Tông Đồ và những người kế vị, từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo và được Hội thánh bảo tồn, dưới sự hướng dẫn của Chúa. Hiểu một cách khác, Thánh Truyền là phần Lời Chúa mạc khải, cũng được truyền lại bằng lời nói cho các tín hữu lúc ban đầu, nhưng không nằm trong Kinh Thánh.
Kinh Thánh và Truyền Thống của Hội Thánh rất ăn khớp với nhau. Chúng ta cần tìm hiểu thêm về các truyền thống của Giáo Hội tiên khởi vì đây chính là câu chuyện của chúng ta, của những tín hữu Công Giáo. Chúng ta cần nhìn lại để học hỏi về những truyền thống này và thấy được sự ăn khớp giửa Kinh Thánh và Truyền Thống.
Hiểu biết câu chuyện của Kitô Giáo của chúng ta sẽ giúp chúng ta chia sẻ với người khác về đức tin Công Giáo và làm canh tân Hội Thánh.
Quo Vadis? (Thầy đi đâu vậy?)
Phêrô chấp nhận thánh giá mình.
Phêrô có thị kiến – ông thấy Chúa Giêsu vác Thánh Giá đi về phía thành Rôma trong khi ông đang định trốn ra khỏi thành để tránh bị vua Nero bắt bớ. Phêrô hỏi Chúa:
“Domine, quo vadis?” – “Lạy Thầy, Thầy đi đâu vậy?”. Chúa Giêsu trả lời: “Thầy đi để chịu đóng đinh lại một lần nửa” à Phêrô hỏi: Thầy đi “con đường” nào? Chúa Giêsu chỉ Phêrô “con đường” của Thánh Giá.
Qua thị kiến này, Phêrô đã hiểu Chúa Giêsu muốn kêu gọi ông trở về lại Rôma, đừng bỏ rơi đàn chiên của ông ở đó. Ông phãi quay trở về Rôma để củng cố anh em tín hữu được vững mạnh trong đức tin. Thế là Phêrô đã hiểu sứ vụ của mình và quay trở lại Rôma, nơi mà ông sẽ bị tử đạo.
Truyền thống nói rằng trong cuộc gặp gở này, nơi Phêrô gặp Chúa có tảng đá được in dấu chân Chúa Giêsu. Tãng đá này về sau được đặt trong Nhà Thờ Quo Vadis.
Những truyền thống của Hội Thánh rất đáng tin cậy vì đã được truyền lại từ các Tông Đồ, như qua Sách Công Vụ của Phêrô, từ lời viết của Thánh I-ra-nê-us, Thánh I-nha-xiô, và các giáo phụ thời ban đầu.
Cuộc tử đạo của Phêrô.
Hình ảnh Chúa Giêsu chỉ vào Thánh Giá là “con đường” của Phêrô phãi đi.
Sự tổng hợp của Kinh Thánh và Thánh Truyền – Con đường đi
Cuộc tử nạn của Phêrô đã được Chúa Giêsu tiên báo trong Phúc Âm Gioan đoạn 21:18 (Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.)
Via Dolorosa – Con Đường Thương Khó – Phêrô đã học được Con Đường Thánh Giá.
Mc 8:22 và Mc 10:52 – Hai đoạn này đều nói đến chuyện người mù được chửa lành và “con đường” mà họ đã đi. Người mù trong đoạn 8 thì Chúa bảo “đi về nhà, đừng vô làng”; người mù trong đoạn 10 sau khi được chửa lành, Chúa bảo “anh hãy đi” và anh đã “đi theo Người trên con đường Người đi”. “Con đường” mang ý nghĩa sự chọn lựa theo Chúa hay không theo Chúa.
Quo Vadis – nghĩa là: Con đường nào? Phêrô đã hiểu “Con Đường” của Thánh Giá là con đường của người môn đệ Chúa Kitô và Phêrô đã trưởng thành trong lời giảng của ông về Con Đường Thánh Giá. Phêrô hiểu rằng sự đau khổ, khó khăn không có nghĩa là Chúa đã bỏ mình, nhưng sự đau khổ là cơ hội để người Kitô hữu ôm ấp thánh ý Chúa, là cho đi chính mình và là một cử chỉ yêu thương. Tình yêu đích thật không bao giờ coi nhẹ chương trình của Chúa. Tình yêu khi cho đi trong sự hy sinh là hợp tác với Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài. Phêrô đã hiểu rỏ điều này.
Tranh Họa
Họa sỉ Caravaggio mượn ý của Michelangelo vẻ hình rất sống động cảnh Phêrô bị đóng đinh ngược đầu và cảnh Phaolô được ơn trở lại.
Họa sỉ Michelangelo nhiều năm trước đó cũng đã vẻ hai cảnh này trên tường của Đền Thờ Thánh Phaolô. Trong hình vẻ này, Phêrô ngoảy đầu nhìn về phía người xem hình như thể muốn nói với chúng ta rằng: “bạn có sẳn sàng theo Chúa Kitô cho đến cùng? Bạn có chịu trả giá làm môn đệ Ngài không…?” Bức tranh này cũng là lời nhắn nhũ cho các vị Giáo Hoàng sau khi họ được chọn, họ vào nhà nguyện trong đền thờ Thánh Phaolô để cầu nguyện nơi đây có đặt bức tranh này. Thánh Phêrô như thể nhìn họ và nhắn nhủ: “Hãy theo Chúa cho đến hơi thở cuối cùng… hãy làm người chủ chiên tốt lành cho đàn chiên Chúa.”
Thánh Đường Thánh Phêrô được xây cất trên ngôi mộ của ngài.
Khi đào đất xây cất đền thờ này, người ta tìm thấy có bộ xương của một người đàn ông vào thời thế kỷ thứ nhất, bộ xương này thiếu đôi chân. Theo truyền thống thì vì Phêrô bị đóng đinh ngược đầu nên khi người ta tháo xác ngài ra khỏi thập giá, họ đã chặt đi đôi chân của ngài để dể mang xác ngài xuống. Sau đó họ chôn ngài nơi đây.
Ngoài ra còn có những hình vẻ các cành lá dừa và chử Hy-lạp “Nikao” gần nơi mộ Thánh Phêrô – đây là dấu hiệu của người Kitô Giáo trưng cho sự chiến thắng. “Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”. (Rm 8:37-39)
* Chúa Kitô là Con Chiên bị giết chết, chính Ngài là Đấng Toàn Thắng, Phêrô cũng vậy, ngài bị giết vì làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô. Đây là nguồn hy vọng và sự bảo đảm cho chúng ta à không có gì tách được chúng ta khỏi tình yêu Chúa Kitô, vì vậy, chúng ta đừng để cho mình phãi lo sợ, xao xuyến bởi những chuyện tạm bợ của thế gian, vì không có gì có thể tách rời tình yêu Chúa khỏi chúng ta.
Con ông Giô-na
Tiên tri Giô-na là hình ảnh và biểu tượng chánh của Phêrô.
Phêrô và những người kế vị được Chúa gọi để tuyên xưng Tin Mừng của tình yêu, lòng thương xót Chúa và kêu gọi mọi dân nước hãy ăn năn thống hối (như tiên tri Giô-na thời Cựu Ước).
Michelangelo vẻ hình tiên tri Giô-na lớn nhất trong bức họa “Sự Phán Xét Cuối Cùng” để nói lên ơn gọi của Phêrô, người Chúa chọn xây dựng Hội Thánh Ngài và loan báo Tin Mừng Cứu Độ.
Lời tuyên xưng của Phêrô khi xưa đã chuẩn bị cho ông trong sứ vụ giống như Giô-na khi xưa và đã củng cố vai trò của ông là nền đá tảng của Giáo Hội.
Chia sẻ:
Ông Gray nói rằng người Công Giáo đã đánh mất câu chuyện của mình. Như vậy, nếu chúng ta tìm về những câu chuyện của thời khai sinh của Kitô Giáo, điều này sẽ giúp chúng ta như thế nào để làm nhân chứng cho Chúa và sống đức tin mình cho sung mãn?
Trước đây, ông Phêrô đã cản Chúa Giêsu đừng vào thành Giêrusalem để khỏi phãi bị bắt và bị giết chết (Mt 16:22), vì sao chính Phêrô sau này lại quyết định trở về thành Rôma, mặc dầu biết rằng ở đó, ông sẽ bị bắt bớ và sẽ chịu nhiều đau khổ?
Những bức ảnh của Caravagio và Michelangel diển tả Phêrô như thế nào? Những hình ảnh này nói lên gì về công trình của Phêrô để lại cho Giáo Hội?
Giáo Lý Công Giáo (GLCG80) nói: "Thánh Truyền và Thánh Kinh liên kết và giao lưu mật thiết với nhau, cả hai phát xuất từ một nguồn mạch duy nhất là Thiên Chúa, cả hai kết hợp nên một toàn bộ và hướng về cùng một mục đích". Ông Gray đã đưa ra vài thí dụ về điều này. Bạn có thí dụ nào về kinh nghiệm riêng của bạn không?
Theo ý bạn, Phêrô có phãi là người chiến thắng không? Vì sao?
Cầu nguyện kết thúc: Lạy Chúa Giêsu Kitô, cám ơn Chúa cho chúng con thời gian vừa qua được cùng nhau đồng hành bên cạnh thánh Phêrô. Chúng con tạ ơn Chúa và chúc tụng Chúa vì Hội Thánh Công Giáo mà Chúa đã xây dựng trên Thánh Phêrô và được dìu dắt qua những người kế vị Thánh Phêrô. Xin Chúa giúp chúng con vác thánh giá mình mà bước theo Chúa như gương Thánh Phêrô cùng các thánh tử đạo. Nhờ lời cầu bầu của Thánh Phêrô và ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, xin cho chúng con được trung thành trong tình thương để rao giảng tin mừng cho muôn dân. Chúng con cầu xin trong thánh danh Chúa. Amen. Thánh Phêrô, cầu cho chúng con.