Hồi đó, toàn thể các chi tộc Ít-ra-en đến gặp vua Đa-vít tại Khép-rôn và thưa: “Chúng tôi đây là cốt nhục của ngài. Ngay cả trước kia, khi ông Sa-un làm vua cai trị chúng tôi, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Ít-ra-en. Đức Chúa đã phán với ngài: ‘Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Ít-ra-en’.” Toàn thể kỳ mục Ít-ra-en đến gặp vua tại Khép-rôn. Vua Đavít lập giao ước với họ tại Khép-rôn, trước nhan Đức Chúa. Rồi họ xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en.
Đáp ca Tv 121,1-2.4-5 (Đ. x. c.1)
Đáp: Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.
1) Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: “Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!” Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân.
2) Từng chi tộc, chi tộc của Chúa, trẩy hội lên đền ở nơi đây, để danh Chúa, họ cùng xưng tụng, như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en. Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử, ngai vàng của vương triều Đa-vít.
Bài đọc 2 Cl 1,12-20
Lời Chúa trong thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.
Thưa anh em, anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi. Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.
Tung hô Tin Mừng Mc 11,9.10
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít tổ phụ chúng ta. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng Lc 23,35-43
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.” Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
Suy Niệm
Thiên Chúa là Đấng vô hình. Con người không thể thấy Ngài. Tuy vậy, qua Đức Giêsu, con người có thể nhận ra khuôn mặt bao dung và đầy lòng thương xót của Thiên Chúa. Người mời gọi chúng ta hãy đón nhận vương quyền của Người để tâm hồn được thanh thản, và để gánh nặng cuộc đời trở nên nhẹ nhàng. Thánh Phaolô khẳng định với chúng ta: “Thánh Tử (Đức Giêsu) là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình”. Qua Đức Giêsu, con người có thể “chạm tới” tình thương Thiên Chúa và nhận ra Ngài đang hiện diện. Chúa Giêsu không phải là một vị vua của quá khứ, cũng không phải là vị vua tương lai, mà là vị vua của hiện tại đang cai trị hoàn vũ này và cai trị các tâm hồn bằng tình yêu thương. Giáo Hội suy tôn Chúa Giêsu với tước hiệu "Vua vũ trụ". Người là Vua không giống như một vị tổng thống do cử tri bỏ phiếu bầu ra, cũng không giống một vị vua được phong vương sau khi đã chiễm lĩnh một vùng lãnh thổ. Chính Thiên Chúa Cha đã ban cho Người "mọi quyền năng trên trời dưới đất" (Mt 28, 18). Khi nghe nói đến Đức Giêsu với tước hiệu “Vua vũ trụ”, nhiều người trong chúng ta cũng liên tưởng ngay đến những vị vua mặc hoàng bào, ngồi trên ngai với triều thần hầu cận. Trong khi đó, Phụng vụ lại giới thiệu cho chúng ta một vị vua hoàn toàn khác: bị đánh bầm dập đến nỗi người thân không nhận ra, trần trụi không một mảnh vải che thân và bị hành hình treo trên thập giá. Thập giá là một hình khổ làm cho người bị xử vừa đau đớn vừa nhục nhã. Vị vua Giêsu không có lễ phong vương huy hoàng. Vị vua ấy đã tự nguyện hy sinh, bị hạ xuống tận cùng cùng nhuốc nhơ đau khổ. Vị Vua Giêsu hạ mình sâu thẳm đến mức “hủy mình ra không” để cứu vớt những con người đắm chìm trong tội lỗi. Người chuốc lấy đau khổ của nhân loại để nhân loại được hạnh phúc. Người mang lấy tội lỗi nhân gian để nhân gian được tha thứ. Đó chính là nét đặc thù làm cho vị Vua Giêsu hoàn toàn khác với các vua chúa trần gian. “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tuyên bố điều ấy. Qua lời tuyên bố này, Chúa Giêsu khẳng định Người là Thiên Chúa cao cả và quyền năng. Mặc dù có bị đánh bầm dập, trần trụi, đau khổ, Người vẫn là Thiên Chúa và vẫn có quyền chấp nhận một người, dù nhiều tội lỗi, trở thành công dân của vương quốc vĩnh cửu.
Tạ ơn Chúa cho chúng ta trở nên công dân của Vương quốc vĩnh cửu, qua Bí tích Thanh tẩy. Xin cho chúng ta biết trân trọng danh hiệu cao quý ấy, đồng thời cố gắng rập khuôn đời mình theo gương Vua Giêsu, để cùng chung hưởng vinh quang với Người, như lời Người đã hứa với người trộm lành năm xưa.
Những Bí Mật của Lòng Chúa Thương Xót
Cầu Nguyện Mở Đầu: “Lạy Cha, chúng con lập lại lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, kêu xin Mẹ Maria trong lúc gặp khó khăn, và nhận biết rằng mọi gian nan, thử thách trong cuộc đời đều là cơ hội để được Cha ban cho những hồng ân đặc biệt – không chỉ cho riêng ĐGH, nhưng cho toàn Hộ Thánh. Giờ đây, xin Cha ban cho chúng con ơn được hiểu và sống Lòng Thương Xót Chúa với mọi người chung quanh, ngay cả những kẻ muốn làm hại đến chúng con. Chúng con xin vì danh Chúa Giêsu, Chúa chúng con. Amen. (dựa theo lời nguyện ĐGH JPII – sau biến cố 5/13/1981)
Bí mật Thứ Ba của Đức Mẹ Fatima đã thành sự thật... nhưng chưa trọn. Vị “giám mục mặc áo trắng”, Đức Giáo Hoàng, đã thật sự bị bắn – nhưng ngài không chết. Vì sao? Đó là vì, theo như ĐGH Bênêđictô nói, “những điều xẩy ra trong tương lai không hẳn là không thay đổi được, ... đây không giống như một cuộn phim chiếu trước cho ta thấy chuyện gì sẽ xẩy ra và sẽ không thay đổi được”. Hơn thế nửa, ngài nói mục đích của những thị kiến này là mang sự tự do vào hoàn cảnh này, để lèo lái tình thế theo đường hướng tốt đẹp hơn. Tóm lại, lời cầu nguyện có thể làm thay đổi sự việc. Hồng ân và lòng thương xót có thể mang đến những phép lạ.
Đôi khi chúng ta dể coi nhẹ tình trạng của người khác, hay chính mình, và nghĩ rằng trường hợp của họ, hay của chính mình, sẽ không bao giờ thay đổi được. Đây chính là sự tuyệt vọng. Nhưng nếu có niềm hy vọng thì sẽ khác. Trong hy vọng, chúng ta thấy rằng ân sủng Chúa sẽ mang đến sự thay đổi tốt hơn – nhưng phải để Chúa làm việc theo cách của Chúa và theo giờ của Chúa. Bạn đang cần niềm hy vọng này trong phạm vi nào của cuộc sống mình? Bạn đang cần hồng ân Chúa thay đổi một khía cạnh hay một vấn đề gì trong cuộc sống bạn?
“Tôi biết tôi đã nhắm rất đúng, viên đạn đó sẽ giết chết ông...Nhưng vì sao ông không chết?” Đây là lời thuật lại của vị thư ký riêng và cũng là bạn thân của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nói về kẻ ám sát ĐGH. Lời nói này đã gây ảnh hưởng sâu đậm trên ĐGH. Ngài luôn ghi nhớ những lời này qua nhiều năm, ngài suy nghĩ, nghiệm ngẩm lời này thường xuyên. Đối với ngài, những lời này là dấu chỉ Thiên Chúa đã cứu mạng ngài qua sự can thiệp của Đức Mẹ Maria. Điều này càng làm cho ĐGH biết cãm tạ Chúa thật sâu xa về món quà sự sống Chúa ban cho ngài. Đối với bạn, có lời nào hoặc biến cố nào trong đời bạn đã khiến cho bạn suy ngẫm nhiều để biết ơn Chúa vì những điều tốt lành Ngài ban cho bạn?
Năm ngày sau khi bị bắn, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô nói: “Tôi cầu nguyện cho người anh em đã gây thương tích cho tôi và tôi thật lòng tha thứ cho anh ấy”. Xả hội trần tục rất ngạc nhiên khi họ nghe trong tin tức về những người Kitô hữu đã tha thứ cho những kẻ giết hại người thân của mình. Lẽ dỉ nhiên, người Kitô hữu được kêu gọi tha thứ cho kẻ thù & những ai làm hại mình, nhưng đồng thời, có những tín hữu cũng đã nói: “Tôi không thể nào làm như vậy được. Nếu ai hãm hại người thân tôi, tôi không thể nào tha thứ cho ho được”. Chúng ta làm sao để trở nên loại người có thể tha thứ cho những kẻ làm hại, làm tổn thương chúng ta hoặc gia đình ta?Chúng ta phãi cầu nguyện như thế nào để cho lòng tha thứ của chúng ta được ngày một lớn lên? Chúng ta có thể tha thứ những chuyện nhỏ bé nào trong cuộc sống để chuẩn bị tập cho lòng mình biết tha thứ trong những chuyện lớn hơn?