Thánh Gioan trong bài Tin Mừng cũng nói với chúng ta về một tình trạng “cách ly” khác. Sau khi chứng kiến Thầy mình chịu chết đau đớn trên thập giá, các tông đồ sợ hãi, tập trung trong một ngôi nhà đóng kín cửa. Tác giả nói rõ lý do: vì sợ người Do Thái.
Đại dịch Covid-19 đã gây biết bao hệ luỵ và làm cho con người hoang mang. Cách ly tập trung là một trong những phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa dịch bệnh. Trong số những người phải cách ly, có đủ mọi thành phần: quân đội, Việt kiều, bác sĩ, sinh viên, linh mục, tu sĩ… Đương nhiên việc phải đi cách ly tập trung là việc chẳng đặng đừng. Tuy vậy, sau thời gian cách ly, một số người có những trải nghiệm thú vị. Họ cảm thấy có thời gian để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời, để “sống chậm” hơn. Họ quan tâm đến người khác hơn và cũng cảm nhận được sự quan tâm của nhiều người đối với mình, trong đó có những người thân và cũng có cả những người không hề quen biết, nhưng đã cùng chung sức chung lòng động viên khích lệ những người đang phải sống cách ly. Nhiều người đã thay đổi cái nhìn về cuộc sống sau hai tuần cách ly. Trong xã hội, dịch bệnh cũng làm cho mọi người sống có trách nhiệm hơn với công ích và với tha nhân. Khi nghiệm ra cuộc đời thật ngắn ngủi, chóng qua và vô thường, người ta cố gắng sống tốt hơn.
Trở lại với các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần. Chính trong lúc các ông đang “cách ly tập trung”, Chúa Thánh Thần ngự đến. Thời gian “cách ly” là lúc các ông nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã dạy. Người hứa sẽ xin Chúa Cha ban cho các ông một đấng Phù trợ. Đấng này là Sức mạnh, là sự Khôn ngoan, là Sự thật. Những giây phút cầu nguyện đã giúp các ông dọn mình chuẩn bị đón Ngôi Ba Thiên Chúa. Ơn đầu tiên mà Chúa Thánh Thần ban cho các ông “là ơn ngôn ngữ”. Các ông nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, tuỳ theo ơn Chúa Thánh Thần ban cho. Một điều thật kỳ diệu: Chúa Thánh Thần vừa soi sáng cho các tông đồ để các ông rao giảng về Chúa Giêsu, vừa mở lòng soi trí cho những người đang nghe các ông rao giảng, để họ nhận biết và tin theo.
Cũng vậy, chính trong tình trạng “cách ly” mà các tông đồ được gặp gỡ Đấng Phục sinh. Với lời chào bình an, Chúa Giêsu trao ban cho các ông Thánh Thần. Được gặp gỡ Đấng Phục sinh, các ông hết hoang mang lo lắng. Thay thế vào đó là niềm vui mừng khôn tả, vì được thấy Chúa.
Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống kết thúc mùa Phục Sinh. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần đã làm thay đổi con người các tông đồ. Chúa Thánh Thần ban cho các ông một sức sống mới từ Thiên Chúa. Kể từ giây phút đó, các ông đã đứng lên rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh, Hội Thánh được khai sinh và bắt đầu đi đến tận cùng trái đất, một Hội Thánh luôn luôn có Chúa Thánh Thần hiện diện. Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mỗi người Kitô hữu đều cảm nhận được sức sống mới đang họat động trong cuộc đời mình. Bằng sự sống của Chúa chúng ta làm cho người khác sống đúng với phẩm giá con người. Để được như vậy chính chúng ta cũng phải được biến đổi nhờ Bí tích Thánh Thể.